11:12, 20/12/2020

Tăng chế tài xử phạt các vi phạm

Trong tháng 10 và 11, Nghị định 98/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; NĐ 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành. Sự ra đời của 2 NĐ trên đóng vai trò rất lớn trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay.

Trong tháng 10 và 11, Nghị định (NĐ) 98/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; NĐ 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành. Sự ra đời của 2 NĐ trên đóng vai trò rất lớn trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay.


Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Y tế  tổ chức hội nghị triển khai NĐ số 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

Đoàn Thanh niên của các cơ sở y tế ở tỉnh mít tinh hưởng ứng  ngày Thế giới không thuốc lá.

Đoàn Thanh niên của các cơ sở y tế ở tỉnh mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá.


Tại hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, NĐ 117 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020, thay thế NĐ 176. So với NĐ cũ, NĐ 117 có một số điểm mới như: Tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe; phân định rõ thẩm quyền, liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể; quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia, dịch bệnh...


Liên quan đến vi phạm hành chính về  thuốc lá, từ Điều 25 đến Điều 29 của NĐ 117 quy định các mức xử phạt. Cụ thể, vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá bị phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng; đối với những địa điểm cấm hút thuốc nếu không có biển “cấm hút thuốc lá”, cơ quan chức năng nếu phát hiện sẽ xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Đáng lưu ý, đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá, mức phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng; phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng khi cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. NĐ 117 cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với các hành vi vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế.


Mặt khác, NĐ số 98/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi thành từ ngày 15-10-2020. Để tăng cường chế tài đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu, Điều 8 của NĐ 98 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao sẽ bị phạt tiền. Cụ thể: Mức xử phạt thấp nhất là phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao (1 bao = 20 điếu, đối với thuốc lá xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao). Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 90 đến 100 triệu đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trong công tác quản lý nhà nước của ngành Y tế, bên cạnh công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện pháp luật về y tế thì công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật rất quan trọng. Hai NĐ trên ra đời với mức xử phạt các hành vi vi phạm tăng cao so với các NĐ cũ. Điều này sẽ bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Y tế nói chung và trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng”.


C.Đan