Từ năm 2014 đến nay, các chiến dịch truyền thông được tổ chức liên tục trên cả nước, qua đó đã có tác động tích cực đến thái độ, hành vi của cả người hút thuốc và người không hút thuốc.
Từ năm 2014 đến nay, các chiến dịch truyền thông được tổ chức liên tục trên cả nước, qua đó đã có tác động tích cực đến thái độ, hành vi của cả người hút thuốc và người không hút thuốc.
Theo khảo sát do Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế thực hiện, khi được hỏi, người hút thuốc lá trả lời họ có lo lắng về những tác hại thuốc lá lên sức khỏe bản thân và cho gia đình của mình; hơn 50% đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá ngay trong gia đình; có 70% người đã có hành vi cố gắng bỏ thuốc lá; 61% người không hút thuốc đã khuyến khích, giúp đỡ người hút thuốc bỏ thuốc lá.
Báo cáo của Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho thấy, năm 2018, 92% người dân tin rằng việc tiếp xúc với thuốc lá thụ động sẽ gây ra các bệnh về phổi và tình trạng viêm phổi ở trẻ em. Nhiều người đã biết lên tiếng yêu cầu người hút thuốc lá không được hút thuốc gần họ, đặc biệt khi có trẻ em. Đại đa số người dân cho rằng, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam thấp hơn so với các nước. Do vậy, để hạn chế tiêu dùng và hạn chế việc tiếp cận các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp, người dân đề nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Đồng thời, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách. Điều này cũng phù hợp với nội dung Khoản 2, Điều 4 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan, đặc biệt là Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được các ban, ngành, đoàn thể quan tâm; thường xuyên lồng ghép nội dung này vào hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật tại đơn vị. Nhờ tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, người dân đã có những hiểu biết cơ bản về luật, có kiến thức đúng về tác hại của thuốc lá, đó là ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế. Thông qua hoạt động tuyên truyền, hơn 90% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh đến xã hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định về nơi làm việc không khói thuốc. Ở các huyện, thị xã, thành phố, hơn 60% người dân hiểu được các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; hơn 90% người dân hiểu được tác hại của thuốc lá; khoảng 50% người dân hiểu được các bệnh lý do thuốc lá gây ra.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trước năm 2015, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, đến năm 2020 hơn 1,6 tỷ người. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 8 triệu người chết do hút thuốc lá và khoảng 1 triệu người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động; 70% số trường hợp tử vong ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Y tế, nếu Việt Nam không áp dụng các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, dự báo trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết khoảng 1 tỷ người, nhiều hơn tổng số người chết do dịch HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh và thương tật, gây mất khả năng lao động, tử vong sớm và trở thành gánh nặng kinh tế của xã hội. So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá rất cao. Những người thường xuyên hút thuốc lá bị chết sớm ở độ tuổi trung niên, giảm tuổi thọ từ 15 năm đến 20 năm.
Nguyễn Thị Quế Lâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)