10:11, 23/11/2020

Tăng cường truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học

Tại Việt Nam, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá đã được phê chuẩn ngày 11-11-2004. Ngày 21-8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 1315 phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.

Tại Việt Nam, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá đã được phê chuẩn ngày 11-11-2004. Ngày 21-8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 1315 phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.


Nhiều hoạt động truyền thông


Ngày 18-6-2012, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-5-2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ và đầu tư của Việt Nam trong công tác PCTHTL và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Căn cứ Luật PCTHTL và các văn bản được ban hành, các cơ quan, đơn vị đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác PCTHTL. Đồng thời, thành lập quy chế hoạt động của ban chỉ đạo; phân công, phân nhiệm các cơ quan, đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp triển khai; giao đơn vị làm đầu mối tổ chức xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động PCTHTL, tuyên truyền, phổ biến luật và hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc lá.

 

Buổi nói chuyện chuyên đề phòng, chống tác hại thuốc lá tại Trường THPT Tôn Đức Thắng (thị xã Ninh Hòa).

Buổi nói chuyện chuyên đề phòng, chống tác hại thuốc lá tại Trường THPT Tôn Đức Thắng (thị xã Ninh Hòa).


Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, thời gian qua, toàn ngành đã tổ chức quán triệt các quy định về PCTHTL và Chỉ thị số 6036 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về tăng cường PCTHTL đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên. Các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động trên thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, ngoại khóa, tuyên truyền qua loa truyền thanh; tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, phát hành các tờ rơi, treo áp phích, băng rôn, pano, đăng tải các bài viết trên bản tin và trang tin điện tử của trường về những tác hại do thuốc lá gây ra; hưởng ứng mạnh mẽ các đợt cao điểm ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) hàng năm.


Bên cạnh đó, một số trường đã thực hiện tốt các hoạt động sân khấu hóa, chương trình phát thanh tư vấn học đường; thi tìm hiểu về tác hại thuốc lá, xây dựng tốt mô hình trường học không khói thuốc lá. Các học sinh đã tổ chức gắn biển cấm hút thuốc lá ở nhiều địa điểm công động trong trường, tuyên truyền cho người thân hiểu về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, trách nhiệm của mỗi người trong việc thực hiện Luật PCTHTL. Tổ chức đoàn, đội trong các trường đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt trang bị kỹ năng từ chối lời mời thuốc lá từ người khác cho học sinh; đồng thời, phối hợp với hội phụ huynh học sinh tuyên truyền PCTHTL cho cha mẹ các em. Có trường phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên triển khai cho đoàn viên ký cam kết không tàng trữ, không hút và sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá.


Cần các giải pháp quyết liệt để bảo vệ giới trẻ


Thực hiện Luật PCTHTL và kế hoạch PCTHTL của tỉnh, ngành GD-ĐT đã lồng ghép các nội dung về PCTHTL vào các môn học tự nhiên và xã hội (cấp tiểu học); giáo dục công dân, sinh học, ngữ văn, địa lý. Một số trường học đã có những hoạt động phát tài liệu truyền thông, tờ rơi dành cho học sinh - sinh viên, treo pano “Cấm hút thuốc lá” trong trường học; thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với vận động cán bộ, giáo viên, học sinh - sinh viên nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định không hút thuốc lá. Qua đó, nhiều cán bộ, giáo viên đã bỏ, không hút thuốc lá.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 31-5 hàng năm là ngày Thế giới không thuốc lá. Chủ đề năm 2020 là “Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”. Với chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu truyền thống và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thế hệ mới.


Hàng năm, trên thế giới có khoảng 8 triệu người chết do hút thuốc lá và 1 triệu người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Trong đó, 70% số trường hợp tử vong là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Y tế, nếu không thực hiện hiệu quả các biện pháp PCTHTL, dự báo trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết khoảng 1 tỷ người, nhiều hơn tổng số người chết do dịch HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ.


Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)