10:10, 02/10/2020

Thúc đẩy quản lý nguồn nhân lực trong phòng, chống HIV/AIDS

Khánh Hòa là 1 trong 7 tỉnh, thành trong cả nước được thụ hưởng dự án "Thúc đẩy quản lý nguồn nhân lực trong phòng, chống HIV/AIDS", do tổ chức Expertise France tài trợ. Sau khi triển khai các hoạt động, dự án sẽ góp phần giúp tỉnh sớm đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030.

Khánh Hòa là 1 trong 7 tỉnh, thành trong cả nước được thụ hưởng dự án “Thúc đẩy quản lý nguồn nhân lực trong phòng, chống HIV/AIDS”, do tổ chức Expertise France tài trợ. Sau khi triển khai các hoạt động, dự án sẽ góp phần giúp tỉnh sớm đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030.


Tại hội thảo giới thiệu và truyền thông triển khai hoạt động dự án trên địa bàn tỉnh mới đây, PGS-TS Nguyễn Thanh Hương - Ban Quản lý dự án Trung ương cho biết, mục tiêu của dự án trong vòng 2 năm (2020 - 2022), thông qua việc cung cấp một số công cụ tính định biên nhân sự, phương pháp tính toán theo đề án vị trí việc làm sẽ giúp các địa phương tăng cường quản lý nguồn nhân lực ở lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp năm 2020 và những năm tiếp theo, qua đó giúp các địa phương sớm thực hiện được mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) vào năm 2030.

 

Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người nghi nhiễm HIV.

Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người nghi nhiễm HIV.


Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền HIV cao trong cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa do người dân không có đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và số ca nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư chưa được phát hiện. Bên cạnh đó, hưởng ứng khuyến cáo của Liên hợp quốc về phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện các mục tiêu 90-90-90. Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đạt được sự kiểm soát dịch bệnh HIV vào năm 2020 và chấm dứt dịch bệnh này vào năm 2030.


Với thực trạng trên và để đạt được mục tiêu đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải có sẵn nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để cung cấp dịch vụ HIV. Qua đó, vừa duy trì mức độ bao phủ hiện tại, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao để mở rộng việc tuân thủ điều trị ARV - ức chế tải lượng vi rút trong thời gian dài và các dịch vụ khác trong phòng, chống HIV/AIDS. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống y tế trong nước đang được tổ chức, cơ cấu lại; nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS ngày càng cắt giảm thì vấn đề về nguồn nhân lực càng cấp thiết hơn.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Dự án ra đời sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý và lập kế hoạch nguồn nhân lực khoa học hơn; điều chỉnh lại khối lượng công việc giữa các cán bộ y tế phù hợp. Đồng thời, dự án giúp địa phương xây dựng kế hoạch nhân sự và nhu cầu đào tạo trong tương lai khi mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giúp địa phương thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và tầm nhìn năm 2030; giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế - xã hội”.


Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2022, dự án sẽ tập trung vào các hoạt động tìm hiểu và rà soát thực trạng triển khai công tác quản lý nhân lực ở các đơn vị quản lý, cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; thông qua các hội thảo, cuộc họp xây dựng, điều chỉnh và phát triển bộ công cụ tính định biên phù hợp với từng địa phương; từng bước đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai bộ công cụ và tiếp tục nhân rộng dự án.


C.Đan