Được triển khai từ năm 2015, đến nay, mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng.
Được triển khai từ năm 2015, đến nay, mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng.
Nỗ lực chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), 5 năm qua, sở đã tổ chức 5 hội thảo, 5 lớp tập huấn triển khai mô hình cho gần 350 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, xã, cộng tác viên các xã, phường; nâng cao năng lực cho 153 cán bộ, 52 nhân viên làm công tác trẻ em các cấp, đội ngũ nhân viên chăm sóc trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội về tác hại của ma túy đối với sự phát triển của trẻ em và các biện pháp phòng tránh, các dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời, tổ chức 316 buổi tư vấn cộng đồng cho gần 19.000 cán bộ tổ dân phố, các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và trẻ em. Hàng năm, mỗi xã, phường triển khai mô hình đều tổ chức 2 - 3 đợt sinh hoạt cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và nhóm trẻ tại cộng đồng, hướng dẫn cho trẻ biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tốt việc điều trị HIV/AIDS cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên chẩn đoán sớm cho trẻ dưới 18 tháng tuổi do bà mẹ nhiễm HIV sinh ra bằng cách lấy mẫu máu chuyển vào Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm; đo tải lượng vi rút HIV để theo dõi hiệu quả điều trị; chuyển đổi phác đồ điều trị khi trẻ bị kháng thuốc. Trường hợp bệnh nhân nặng sẽ được giới thiệu, chuyển tiếp hoặc chuyển tuyến theo chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương.
Mặt khác, trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS sẽ được cán bộ quản lý tại các địa phương đánh giá nhu cầu và hướng dẫn, kết nối dịch vụ cho trẻ và gia đình về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, hỗ trợ về giáo dục, trợ cấp xã hội, tư vấn tâm lý, người chăm sóc, vận động nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh… nhằm hỗ trợ kịp thời cho các em.
Không để trẻ bị ảnh hưởng HIV bị bỏ lại
Từ năm 2015 - 2018, tổng kinh phí hỗ trợ mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS của Cục Trẻ em và tổ chức Catholic Relief Services (CRS) hơn 259 triệu đồng. Tính đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 635 trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS; trong đó 27 trẻ bị nhiễm, 49 trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp và 559 trẻ có nguy cơ cao nhiễm. Số trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS thuộc hộ nghèo là 11 trẻ và 11 trẻ thuộc hộ cận nghèo. |
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 xã, phường triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS gồm: phường Phước Hải, phường Phương Sơn (TP. Nha Trang), xã Vạn Lương và Vạn Phước (huyện Vạn Ninh). Tại buổi làm việc rà soát, đánh giá công tác phối hợp liên ngành và triển khai mô hình do Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Cục Trẻ em tổ chức mới đây, ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho biết, năm 2018, theo kết quả rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ, tổng số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại 4 xã trên là 50 em; 16 em có nhu cầu về y tế, 38 em có nhu cầu về giáo dục, 7 em có nhu cầu dinh dưỡng, 3 em có nhu cầu pháp lý, 11 em có như cầu về bơi và không có em nào có nhu cầu về trợ giúp tâm lý, người chăm sóc, trợ cấp xã hội… Ban điều phối mô hình và đội ngũ cộng tác viên thường xuyên kết nối dịch vụ, vận động tổ chức từ thiện hỗ trợ cho các em thuộc đối tượng của mô hình. Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH còn kết nối với tổ chức Hỗ trợ trẻ em quốc tế HOLT Việt Nam hỗ trợ học bổng cho 1 em ở phường Phương Sơn với kinh phí 300.000 đồng/tháng; hỗ trợ 5 triệu đồng mua xe đạp, dụng cụ học tập cho 1 em ở phường Phước Hải. Ngoài ra, ban điều phối đã phối hợp với trạm y tế khám sức khỏe; phối hợp với nhà trường hỗ trợ các em trong học tập, tặng sách vở, giúp các em hòa nhập với bạn bè…
Tuy việc triển khai mô hình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng theo ông Tân, khó khăn nhất hiện nay là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại các địa phương còn quá lớn và quy định bảo mật thông tin người nhiễm nên nhiều gia đình không cung cấp thông tin. Trạm y tế cũng không thể cung cấp thông tin, dẫn đến trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS không được phát hiện để đưa vào danh sách quản lý, việc đánh giá nhu cầu và hỗ trợ kịp thời cho trẻ chưa được thực hiện. Mặt khác, từ năm 2019, Cục Trẻ em đã ngừng hỗ trợ kinh phí triển khai mô hình, vì vậy, công tác thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không được triển khai thường xuyên. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các nhân viên y tế chăm sóc, điều trị và hỗ trợ tài liệu, tập huấn cho cán bộ nòng cốt ngành giáo dục về công tác phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, ông Tân nói.
Thanh Trúc