10:09, 24/09/2020

Khánh Sơn: Chú trọng chăm lo sức khỏe người dân

Thời gian qua, ngành Y tế huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhờ đó, nhiều người dân miền núi có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị.

 

Thời gian qua, ngành Y tế huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhờ đó, nhiều người dân miền núi có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị.


Chăm lo sức khỏe sinh sản


Trước đây, do thiếu hiểu biết, chị Mấu Thị Tạng (xã Ba Cụm Bắc) tự sinh con tại nhà. Qua vận động, tiếp cận tuyên truyền của các cán bộ y tế, khi sinh đứa con thứ 2, chị đã chủ động đến bệnh viện. Nhờ làm tốt công tác y tế tại tuyến cơ sở mà ý thức của người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu năm 2015, toàn huyện có 64 ca sinh con tại nhà thì đến nay còn 33 ca; tỷ lệ sinh tại cơ sở y tế hiện nay đạt 92%, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phụ được quản lý thai đạt 98%, tăng 0,3%; số thai phụ được khám thai 3 lần trở lên đạt gần 80%, tăng 7%...  

 

Điều trị bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Sơn.

Điều trị bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Sơn.


Cùng với đó, thông qua các chiến dịch truyền thông, lồng ghép tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhiều phụ nữ ở huyện đã tiếp cận nhiều biện pháp tránh thai phù hợp, hiện đại. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có hơn 1.700 phụ nữ sử dụng biện pháp uống thuốc tránh thai, tăng 16%; gần 500 người dùng bao cao su, tăng gần 17%; gần 600 phụ nữ đến các cơ sở y tế để điều trị phụ khoa, tăng 28%... Chị Bo Bo Thị Kiểu (thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung) cho biết: “Hiện nay, tôi có 4 con, cháu nhỏ nhất được 5 tháng tuổi. Tôi không muốn sinh đông con, vì vợ chồng làm rẫy không đủ ăn, con không có điều kiện đi học. Sau khi được cán bộ y tế xã vận động, tôi đã chọn sử dụng biện pháp uống thuốc tránh thai”.


Với những giải pháp hiệu quả đang triển khai, huyện phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ suất sinh ở mức 0,35‰; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở mức 1%; từng bước ổn định mức sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên toàn huyện.


Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế


Cùng với hoạt động trên, việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân được ngành Y tế huyện củng cố và phát triển. Nhiều kỹ thuật, phác đồ điều trị mới được triển khai thành thạo như: Siêu âm màu, xét nghiệm, Xquang kỹ thuật số, phẫu thuật sản khoa, ruột thừa… từng bước đem lại hiệu quả điều trị thiết thực cho người dân miền núi. Việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế được chú trọng, có 80% trạm y tế trên địa bàn huyện được trang bị đầy đủ thiết bị theo quy định; một số trạm y tế được tăng cường bác sĩ từ tuyến huyện về khám bệnh, chữa bệnh… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân chuyển tuyến giảm 7,45% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ có 1 trường hợp tai biến sản khoa, giảm 6 trường hợp; toàn huyện thực hiện khám bệnh cho gần 20.500 lượt người; điều trị nội trú gần 2.000 lượt…


Các hoạt động phòng, chống bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai tốt. 100% xã, thị trấn tiếp tục duy trì hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng; có 778 bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, 48 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường được quản lý điều trị; hơn 90% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng hàng năm; hơn 90% người cao tuổi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó hơn 42% người được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từ đầu năm đến nay, huyện chỉ ghi nhận 1 ca sốt rét, giảm 80% so với cùng kỳ…


Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, có được kết quả trên là nhờ những năm qua, ngành Y tế huyện đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm, trung tâm đưa cán bộ y tế đi đào tạo bác sĩ theo hình thức liên thông và mở rộng các hình thức đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số theo chế độ cử tuyển. Nhờ vậy, từ 7 bác sĩ vào năm 2015, đến nay, toàn huyện tăng lên 20 bác sĩ, đạt 8 bác sĩ/10.000 dân. Hiện nay, đơn vị tập trung đào tạo để phát triển hệ ngoại và sản khoa. Mục tiêu sau đào tạo, lực lượng này có thể triển khai và làm chủ các kỹ thuật tuyến bệnh viện hạng 3. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vừa giảm tải cho tuyến trên.


Thời gian tới, bên cạnh công tác phát triển chuyên môn, ngành Y tế huyện còn chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, giúp người dân miền núi tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế.


C.Đan