03:07, 09/07/2020

Một ca có nguy cơ tử vong cao do đắp lá

Ngày 9-7, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đình Thành, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình tổng quát, thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, tình trạng bệnh nhân P.T.H (sinh năm 1955, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) diễn biến rất nặng, nguy cơ tử vong cao do bị nhiễm trùng nặng vì đắp lá thuốc.

Ngày 9-7, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đình Thành, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình tổng quát, thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, tình trạng bệnh nhân P.T.H (sinh năm 1955, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) diễn biến rất nặng, nguy cơ tử vong cao do bị nhiễm trùng nặng vì đắp lá thuốc.

 
Bệnh nhân H. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vào ngày 7-7, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, viêm loét vùng cụt, sưng mủ, có dịch chảy ở 2 mu bàn chân, trong đó chân phải bị nặng hơn chân trái. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử 2 mu bàn chân, ở chân phải đã lan rộng tới cẳng đùi, gây hoại thư sinh hơi nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu cắt lọc đoạn chi bên phải. Sau mổ, bệnh nhân diễn biến nặng, hôn mê sâu, phải thở máy để duy trì sự sống.
 
Theo người nhà, bệnh nhân H. bị mắc bệnh đái tháo đường; trước đó, ở 2 chân bệnh nhân xuất hiện vết thương lâu lành gây đau đớn. Bệnh nhân có đến thầy lang đắp một số lá thuốc, sau 10 ngày thấy vết thương không lành, trở nặng mới nhập viện. Sáng  ngày 9-7, bệnh nhân đã được bệnh viện cho xuất viện theo  nguyện vọng của gia đình.

 

Một ca đắp thuốc lá bị nhiễm trùng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa
Một ca đắp thuốc lá bị nhiễm trùng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa

 

Hiện tại, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình tổng quát đang điều trị 1 ca bị nhiễm trùng nặng ở đầu gối do đắp thuốc lá. Theo bệnh nhân T.T.T.Đ (48 tuổi, TP. Nha Trang), chị có bị vết thương ở đầu gối do tai nạn giao thông, thường xuyên bị sưng tấy. Qua 3 ngày đắp thuốc lá không thuyên giảm,  đầu gối còn sưng tấy và đau hơn, chị Đ. mới nhập viện. Từ đầu năm đến nay, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình tổng quát đã tiếp nhận một số ca bị nhiễm trùng do đắp lá thuốc, hầu hết các ca đều trong tình trạng nặng, trong đó đã có 1 ca đã tử vong.
 
Bác sĩ Phạm Đình Thành khuyến cáo, đối với việc tự ý dùng lá cây để đắp lên vết thương nguy cơ gây sẽ ra nhiều biến chứng và hậu quả khó lường cho người bệnh. Trong các trường hợp bị biến chứng nhẹ, nhập viện sớm, các bác sĩ có thể xử lý bảo toàn được các chi cho bệnh nhân; trong trường hợp nặng phải phẫu thuật cắt bỏ. Đối với những trường hợp bị biến chứng suy đa tạng gần như không thể cứu được. Tốt nhất, khi bị chấn thương nên chườm lạnh, kê cao chân và đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị đúng, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
 
C.Đan