10:07, 12/07/2020

Điều trị dự phòng PrEP: Giải pháp tối ưu hạn chế lây nhiễm HIV

Cùng với các giải pháp điều trị và dự phòng đã triển khai, ngày 10-7, Sở Y tế phối hợp với Ban quản lý dự án toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khởi động chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP trong tỉnh. Đây được xem là giải pháp điều trị tối ưu, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Cùng với các giải pháp điều trị và dự phòng đã triển khai, ngày 10-7, Sở Y tế phối hợp với Ban quản lý dự án toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khởi động chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP trong tỉnh. Đây được xem là giải pháp điều trị tối ưu, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên đến hơn 90% và tiêm chích ma túy 70%. Do đó, hiện nay, PrEP được xem là một trong những “vũ khí” tối ưu trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Đối tượng sử dụng của PrEP là những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV như: Nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người tiêm chích ma túy, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV… Được sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, khách hàng sử dụng PrEP đều được miễn phí toàn bộ thuốc và các xét nghiệm.


Tại tỉnh Khánh Hòa, chương trình này đã được triển khai từ đầu năm 2020. Qua thời gian tiếp cận, hiện có 3 người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã và đang tham gia điều trị PrEP, 5 người vừa đăng ký điều trị. Theo kế hoạch, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 80 người tham gia điều trị theo chương trình này. Bạn N.T.N (23 tuổi, TP. Nha Trang) - 1 trong 3 người tham gia điều trị kể: “Tôi có xu hướng quan hệ tình dục nam với nam. Được vận động, tôi uống PrEP được vài tháng nay, thấy sức khỏe bình thường, không thấy có tác dụng phụ. Dùng PrEP, tôi thấy an tâm trước nguy cơ lây nhiễm HIV từ bạn tình”.


Bên cạnh hỗ trợ triển khai chương trình điều trị PrEP, từ năm 2018 đến 2020, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS còn hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa các hoạt động can thiệp dự phòng; điều trị các chất gây nghiện bằng methadone; tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện; chăm sóc điều trị bệnh; phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao hoạt động giám sát, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS… Qua triển khai, hiện nay, toàn tỉnh có gần 540 người tham gia điều trị methadone; hơn 900 người tham gia điều trị ARV. Riêng năm 2019, toàn tỉnh thực hiện xét nghiệm HIV cho hơn 15.870 lượt người; cấp phát hơn 562.000 bơm kim tiêm sạch, 790.000 bao cao su, 109.000 hộp bôi trơn. Ngoài ra, có hơn 5.100 phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS, trong đó có 5 phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, kết quả có 4/5 trẻ sinh ra âm tính với HIV.


Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tại tỉnh Khánh Hòa, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống, được quản lý hơn 1.140 người. Tuy ở tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng hiện nay, nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ, nhất là những người có quan hệ tình dục đồng giới, vì vậy nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn rất cao... Do đó, việc tỉnh Khánh Hòa được Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP sẽ giúp công tác phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được toàn diện, góp phần hạn chế HIV/AIDS lây lan trong cộng đồng, đạt mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh vào năm 2030.


Thảo Ly