Theo thống kê, hiện nay, dân số toàn tỉnh có 1.231.107 người. Mức sinh thay thế nhìn chung giảm (1,4 con/phụ nữ) so với mức sinh thay thế chung của cả nước là 2,1 con/phụ nữ. Để ổn định quy mô dân số và từng bước nâng cao chất lượng dân số, ngành Dân số tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo thống kê, hiện nay, dân số toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.231.107 người. Mức sinh thay thế nhìn chung giảm (1,4 con/phụ nữ) so với mức sinh thay thế chung của cả nước là 2,1 con/phụ nữ. Để ổn định quy mô dân số và từng bước nâng cao chất lượng dân số, ngành Dân số tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Cơ cấu dân số vàng
Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: “Cùng với cả nước, dân số của tỉnh đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% dân số, tạo nên nguồn lao động dồi dào. Mỗi năm có hơn 20.000 người bước vào độ tuổi lao động. Điều này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng là thách thức về việc làm, an ninh lương thực…”.
Mục tiêu tổng quát trong chính sách DS-KHHGĐ của tỉnh là “thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Mục tiêu này đã đi vào cuộc sống, được người dân đồng thuận và được triển khai thực hiện đạt kết quả đáng khích lệ. Quy mô gia đình nhỏ có từ 1 hoặc 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi, chất lượng dân số từng bước được tăng lên. Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thuận tiện và hiệu quả hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác. Điều quan trọng là phong trào KHHGĐ đã phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Đó là những điều kiện thuận lợi để công tác dân số trên địa bàn tỉnh thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2020. Đến nay, sau 10 năm, quy mô dân số của tỉnh tăng 73.503 người. Tỷ lệ tăng DS bình quân/năm giai đoạn 2009 - 2019 là 0,62%/năm, giảm so với 10 năm trước (giai đoạn 1999 - 2009 là 1,17%/năm).
Vẫn còn thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đó là kết quả giảm sinh chưa thực sự bền vững, không đồng đều giữa các vùng. Việc nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh cũng gặp không ít trở ngại vì thu nhập bình quân đầu người ở tỉnh thấp so với cả nước; trình độ phát triển con người chỉ ở mức trung bình. Hơn nữa, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là thách thức rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dân số, bởi những hộ nghèo thường không có điều kiện chăm sóc sức khỏe, học tập, nâng cao đời sống. Công tác dân số còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh dân số. Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang có chiều hướng tăng.
Mục tiêu đặt ra của tỉnh là đạt mức sinh thay thế để ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (100 nam/100 nữ), duy trì và tận dụng hiệu quả “cơ cấu dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số. “Để đạt được điều này, toàn tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, giảm sinh ở những vùng có mức sinh còn cao, duy trì kết quả đã đạt được trong công tác dân số, thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; nghiêm cấm mọi hình thức chẩn đoán xác định giới tính và nạo phá thai lựa chọn giới tính thông qua việc giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở y tế có nhân viên y tế cung cấp dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi và nạo phá thai lựa chọn giới tính”, bà Oanh cho biết.
THANH TRÚC