11:12, 08/12/2019

Một số hạn chế trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển.

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển.

 

Thuốc lá gây nên nhiều bệnh tật (Trong ảnh: thực hiện ca phẫu thuật  tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: T.LY

Thuốc lá gây nên nhiều bệnh tật (Trong ảnh: thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh)


Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới… Hiện nay, có khoảng 1,3 tỷ người trên thế giới hút thuốc lá; năm 2020, số người hút thuốc lá có thể lên tới 1,6 tỷ người.


Theo đánh giá của Bộ Y tế tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), mặc dù hầu hết các cấp chính quyền các địa phương đã có trách nhiệm triển khai luật, thành lập ban chỉ đạo (BCĐ), phân công, phân nhiệm từng thành viên tổ chức thực hiện, tuy nhiên hoạt động của BCĐ đa phần còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Hoạt động của BCĐ chủ yếu do thành viên thường trực của ban là Sở Y tế thực hiện, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên của BCĐ để triển khai các hoạt động PCTHTL lá nên chưa mang lại hiệu quả cao. Trong khi các hoạt động PCTHTL là hoạt động lĩnh vực y tế công cộng, cần có sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan, đoàn thể; cần sự vào cuộc chủ động của các đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động, phối hợp tích cực với ngành Y tế để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ số, mô hình đề ra.


Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận xét, Luật PCTHTL quy định cụ thể: “UBND các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức, chỉ đạo, bố trí nhân lực, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; chủ tịch UBND các cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chủ trì, tổ chức việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm tại địa bàn quản lý”. Tuy nhiên, việc thực hiện xử phạt này còn nhiều khó khăn.


Bên cạnh đó, kế hoạch PCTHTL của các địa phương chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn, hưởng ứng ngày Thế giới không khói thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc nên các hoạt động tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; các kế hoạch được xây dựng chưa chú trọng vào hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, chưa có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình ở từng năm, giai đoạn.


Ông Nguyễn Huy Quang lưu ý, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm pháp luật chưa đồng bộ, chặt chẽ, chưa thanh tra, kiểm tra các quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút, chưa huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội, nhân dân trong công tác PCTHTL.


Về kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho các hoạt động PCTHTL tại các địa phương rất hạn hẹp, thậm chí không bố trí kinh phí cho hoạt động này; không có kinh phí hỗ trợ cho các cán bộ trực tiếp triển khai các hoạt động PCTHTL tại các đơn vị, địa phương, tất cả đều kiêm nhiệm. Do vậy, không động viên, thu hút cán bộ, nhân viên, cộng tác viên tham gia tích cực, hiệu quả đối với công tác PCTHTL trên từng địa bàn.


Quế Lâm