11:11, 01/11/2019

Điều trị bệnh zona bằng phương pháp dân gian: Dễ gây nhiều biến chứng

Những năm qua, Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh zona (dân gian thường gọi giời leo) tự ý điều trị tại nhà bằng cách đắp lá, đậu xanh, vẽ mực xạ, bắt giời… làm bệnh nặng thêm và để lại nhiều biến chứng.

 

Những năm qua, Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh zona (dân gian thường gọi giời leo) tự ý điều trị tại nhà bằng cách đắp lá, đậu xanh, vẽ mực xạ, bắt giời… làm bệnh nặng thêm và để lại nhiều biến chứng.


Bệnh nhân Nguyễn Thị N. (58 tuổi, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh) nhập Bệnh viện Da liễu tỉnh trong tình trạng các mụn nước trên trán sưng đỏ, lan rộng xuống hố mắt, sống mũi, mắt bỗng dưng mờ hơn trước. Qua khám, bệnh nhân N. được chẩn đoán mắc bệnh zona với biến chứng tác động lên dây thần kinh thị giác làm giảm thị lực. Sau một thời gian điều trị, các triệu chứng giảm hẳn, sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân N. kể: “Tôi mắc bệnh được hơn nửa tháng. Theo cách xưa ông bà hay làm, tôi lấy đậu xanh giã nát và đắp lên chỗ giời leo. Thấy bệnh không hết, lại nặng hơn nên tôi mới nhập viện”.

 

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh zona.

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh zona.


Bệnh nhân Trần Thái H. (67 tuổi, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh) nhập viện trong tình trạng vùng liên sườn trái bị nhiễm trùng nặng gây lở loét. Ngoài ra, bệnh nhân còn thường xuyên phải chịu những cơn đau. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị zona thần kinh nhưng không điều trị đúng cách dẫn đến bị nhiễm trùng nặng. Theo bệnh nhân H., ông mắc bệnh khoảng 3 tháng. Do thường xuyên đi làm xa, nghĩ bệnh giời leo đơn giản nên điều trị bằng cách bôi mực tàu và thổi nhang theo mẹo dân gian. Khi các vết lở nặng hơn, đau nhức không chịu được ông mới nhập viện.  


Bác sĩ Đặng Thị Vân Thủy - Bệnh viện Da liễu tỉnh cho biết, zona là bệnh hay gặp, dễ mắc, nhưng rất hiếm bệnh nhân vào viện trong “khung giờ vàng” (48 đến 72 giờ từ khi phát bệnh), đa phần đều vào muộn. Có nhiều trường hợp vào viện sau thời gian tự điều trị không khỏi bằng các phương pháp dân gian như: đắp các loại lá, đậu xanh, vôi; hoặc tự ý mua thuốc điều trị… làm các vết tổn thương sâu, lan rộng hơn, nhiễm trùng, gây khó khăn cho việc điều trị. Không ít bệnh nhân gặp biến chứng nguy hiểm. Bình quân hàng tháng, bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng 70 ca, chiếm 1/3 ca tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian trước khi nhập viện. Riêng 9 tháng năm 2019, bệnh viện điều trị 620 ca.


Zona là một bệnh do vi rút zona varicellae gây ra. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Vi rút zona cũng là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu, có thể nằm hàng chục năm trong cơ thể, sau đó gặp yếu tố thuận lợi (sức đề kháng giảm do tuổi tác hoặc bệnh tật), chúng liền hoạt động trở lại, theo dây thần kinh ra da, gây nên bệnh zona. Đối tượng dễ mắc zona là người già yếu, người được ghép thận, ghép tủy xương, nhiễm HIV, ung thư, dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày (thuốc trị hen suyễn, viêm khớp). Bệnh này khởi phát mạnh vào mùa mưa, mùa lạnh, khu vực có nhiệt độ ẩm thấp. Các dấu hiệu nhận biết bệnh zona là xuất hiện cảm giác vùng da bị bỏng, châm chích, tê, đau, nóng rát, nhất là về đêm. Sau vài ngày, trên vùng da đó xuất hiện các mảng màu hồng riêng lẻ, sau đó tụ lại thành mảng lớn; trên bề mặt mảng này có nhiều mụn nước hợp thành chùm ở trung tâm. Bệnh có tỷ lệ mắc cao ở người già và trung niên sau 45 tuổi. Thời gian điều trị bệnh tốt nhất trong vòng 72 giờ sau khi có tổn thương da. Sau thời gian này, vi rút đã xâm nhập và gây tổn thương vào các rễ và dây thần kinh liên quan. Nếu kéo dài bệnh sẽ gây nhiều biến chứng, thường gặp nhất là đau dây thần kinh nhiều tháng, có khi kéo dài nhiều năm. Nếu bệnh khu trú tại vùng trán, hốc mắt, mũi có thể làm giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn; hoặc gây tổn thương làm liệt mặt, méo miệng…


Trước tình trạng nhiều bệnh nhân mắc bệnh zona tự điều trị tại nhà, bác sĩ Thủy cảnh báo: “Hạt zona khi bị vỡ dễ tạo mủ dẫn tới biến chứng viêm loét vùng da. Áp dụng mẹo chữa không đúng cách, không đúng thời điểm sẽ gây viêm nhiễm, bội nhiễm và nhiễm trùng vết thương để lại sẹo”.


Để hạn chế biến chứng sau mắc bệnh zona, các bác sĩ khuyên, người mắc bệnh không nên tự điều trị bằng phương pháp dân gian, có thể sử dụng thuốc bôi kháng được vi rút zona như: milian, acyclovir, mỡ kháng sinh… Cách tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị nếu nghi ngờ mắc bệnh.


C.Đan