Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, trong tháng 4 số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm, số ca mắc tay chân miệng, sởi tuy có tăng nhưng vẫn đang được khống chế.
Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, trong tháng 4 số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm, số ca mắc tay chân miệng (TCM), sởi tuy có tăng nhưng vẫn đang được khống chế.
Số ca mắc sốt xuất huyết giảm
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, trong tháng 4, số ca mắc mới SXH trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 590 ca, so với tháng 3 giảm gần gấp đôi và giảm gấp 4 lần so với tháng 1. Điều đáng ghi nhận, những địa phương có số mắc cao như: TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và Diên Khánh đều có số mắc mới giảm đáng kể với những tháng trước đó.
TP. Nha Trang là địa phương có số ca mắc cao nhất, chiếm gần 1/2 số mắc trong toàn tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, Trung tâm Y tế TP. Nha Trang đã thành lập 6 đội chống dịch SXH, 2 đội giám sát các chỉ số, 4 đội phun thuốc diện rộng và xử lý ổ dịch. Bên cạnh việc triển khai các kế hoạch đã được xây dựng từ đầu năm, trong tháng 3 toàn thành phố còn ra quân tổng vệ sinh diệt bọ gậy 3 đợt, phun hóa chất chống muỗi diện rộng ở 22 xã, phường, tiến hành xử lý hơn 100 ổ dịch. Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên ký kết bản phối hợp tham gia phòng, chống dịch đến năm 2020… Nhờ đó, số ca mắc SXH của thành phố giảm rõ rệt. Hiện nay, mỗi tuần toàn thành phố ghi nhận khoảng từ 60 đến 70 ca mắc mới, giảm gấp 5 lần so với những tuần của tháng 1. Bác sĩ Lê Đức Lương - Đội trưởng Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế TP. Nha Trang cho biết “Theo kế hoạch, trong thời gian tới, có 14 xã, phường có nguy cơ cao của thành phố sẽ tiếp tục được xử lý diệt lăng quăng diện rộng ở đợt 2 và giám sát chỉ số côn trùng sau xử lý. Các địa phương còn lại vẫn thực hiện giám sát, phát hiện, xử lý các ổ dịch mới triệt để”.
Theo ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, năm nay, bệnh SXH diễn biến khá phức tạp, số ca mắc SXH tăng cao kéo dài từ cuối năm 2018 sang đầu năm 2019. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong tháng 3 và 4, tất cả các địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh SXH như: đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các đợt diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi theo định kỳ hàng tuần, tháng… Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, địa phương, đến thời điểm này, bệnh SXH trên địa bàn tỉnh được khống chế. Hiện nay số ca mắc khoảng 130 ca/tuần, giảm gấp 3 lần so với những tháng đầu năm.
Tay chân miệng và sởi tăng nhẹ
Năm 2019, thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho bệnh TCM phát triển, tuy nhiên số ca mắc rải rác, không hình thành ổ dịch. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 540 ca mắc TCM. Riêng tháng 4 ghi nhận 186 ca, tăng 58 ca so với tháng 3. Các địa phương có số mắc cao là: TP. Nha Trang, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Về sởi, từ cuối năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 100 ca, các ca nằm rải rác, tập trung nhiều ở TP. Nha Trang và huyện Vạn Ninh. Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như: cúm A/H5N1, A/H7N9, Ebola, Mers-CoV và các bệnh truyền nhiễm khác: Zika, viêm não Nhật bản, viêm màng não mô cầu… không có ca mắc.
Ông Huỳnh Văn Dõng cho biết, so với mọi năm, năm nay các bệnh truyền nhiễm có nhiều điểm khác thường. Ngoài 2 bệnh SXH và TCM lưu hành quanh năm, có thêm bệnh sởi. Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh, đồng thời dựa và tình hình thực tế hàng tháng, tuần để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong đó, tập trung phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền và nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng bệnh. “Tuy số ca mắc TCM, sởi tăng so với cùng kỳ nhưng hiện vẫn đang được khống chế tốt”, ông Dõng khẳng định.
Hiện nay, dù số ca mắc SXH giảm, trung tâm vẫn chỉ đạo các đơn vị trong thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống SXH. Trong đó, tập trung tuyên truyền để người dân chủ động diệt lăng quăng tại nhà. Cùng với việc tuyên truyền vệ sinh tại gia đình phòng bệnh TCM, trung tâm sẽ phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị liên quan giám sát vệ sinh môi trường, xử lý đồ chơi, chất thải của trẻ ở các nhà trẻ, mầm non, nhất là những trường tư thục, nhóm trẻ gia đình. Về bệnh sởi, từ tháng 2, toàn ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đạt 90%. Hiện nay, các đơn vị vẫn tiếp tục vận động các hộ gia đình có con em chưa tiêm chủng bổ sung tiếp tục đưa trẻ ra tiêm chủng, với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 95%.
C.Đan