Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng ở các huyện, thị xã, thành phố. Đối với trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết khá cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm trẻ mắc bệnh để có hướng xử lý, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, gia tăng ở các huyện, thị xã, thành phố. Đối với trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh SXH khá cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm trẻ mắc bệnh để có hướng xử lý, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, SXH là bệnh gây ra bởi vi rút Dengue nên được gọi là SXH Dengue (SXH D). Đây là bệnh truyền nhiễm, cấp tính gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em dễ mắc hơn. Cho đến nay, SXH chưa có vắc xin để phòng bệnh. Vi rút Dengue gây bệnh SXH có 4 typ huyết thanh, con người có thể mắc cả 4 typ huyết thanh, nếu đã mắc bệnh thuộc typ D1 vẫn có thể mắc typ D2, D3 hoặc D4.
Bệnh SXH ở trẻ nhỏ thường khởi phát đột ngột, diễn biến qua 3 giai đoạn. Ở giai đoạn khởi phát: bệnh sốt cao đột ngột liên tục từ 38 - 39 độ; trẻ bứt rứt, quấy khóc, nôn trớ, chán ăn, da xung huyết, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, có chấm xuất huyết dưới da; có thể nôn ra máu, đi ngoài ra máu; số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần. Giai đoạn tiếp theo thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Đây là giai đoạn cần hết sức cẩn trọng vì rất nguy hiểm (trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt). Giai đoạn này trẻ có thể bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to. Đặc biệt, trẻ có thể bị thoát huyết tương và nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện như: vật vã, bứt rứt, ngủ ly bì mê man, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, tiểu ít. Giai đoạn này bắt đầu xuất hiện xuất huyết được thể hiện như: các mảng bầm tím, xuất huyết dưới da, mạch nhanh nhỏ và lúc này sẽ bị tụt huyết áp hoặc huyết áp của trẻ không đo được. Đồng thời, trẻ có thể bị chảy máu mũi, chân răng, hoặc có thể tiểu ra máu... Một số trường hợp không thấy có dấu hiệu xuất huyết nhưng trẻ vẫn dễ bị tử vong nếu bị sốc với những biểu hiện như: tụt huyết áp, giảm thân nhiệt, giảm tri giác. Trường hợp nặng có thể bị rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm. Nếu qua được giai đoạn kịch phát, trẻ sẽ dần dần được hồi phục (thường sau giai đoạn nguy hiểm 48 - 72 giờ), trẻ hết sốt, tình trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều. Khi xét nghiệm máu, số lượng tiểu cầu trở về bình thường, số lượng bạch cầu tăng.
Bác sĩ Dõng cho biết thêm, nếu một người đang ở trong vùng có dịch SXH hoặc từ vùng dịch về, thấy sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, đau nhức hố mắt (trẻ lớn), kèm theo da xung huyết, phát ban hoặc có kèm thêm chảy máu cam, chảy máu chân răng thì nên nghĩ đến bị mắc bệnh SXH. Đối với một số trẻ em, nếu vừa có các triệu chứng nêu trên, kèm theo đau bụng càng phải hết sức chú ý đề phòng SXH bị sốc. Người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Nếu nghi là SXH nhưng chưa kịp đưa người bệnh đi khám, cần làm giảm thân nhiệt bằng cách lau mát cho trẻ (nước để lau mát cho trẻ thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2 độ C), đặc biệt là trẻ nhỏ, ở các vùng có động mạch lớn đi qua như trán, nách, bẹn (không được chườm lạnh hoặc nước đá). Nếu đã lau mát nhiều lần, liên tục mà thân nhiệt không thuyên giảm, vẫn trên 38 độ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin hoặc biệt dược có chứa aspirin hoặc ibuprofen để hạ nhiệt cho trẻ. Bởi các loại thuốc này sẽ làm cho bệnh nhi chảy máu nặng thêm và có thể đưa đến tử vong.
Cách phòng, chống SXH tốt nhất là không để muỗi đốt. Tất cả người dân tích cực tham gia diệt muỗi và diệt lăng quăng bằng mọi biện pháp từ dân gian đến hóa chất (phun thuốc, hương muỗi). Không có muỗi, không có lăng quăng sẽ không có SXH.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)