Hiện nay, thừa cân, béo phì ở trẻ em là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Ở Việt Nam, tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Hiện nay, thừa cân, béo phì ở trẻ em là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Ở Việt Nam, tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, toàn cầu có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5 đến 19 tuổi bị thừa cân, béo phì. Thống kê của Viện Dinh dưỡng, năm 1996, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 12%, sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này tăng lên 43%. Kết quả điều tra năm 2014 - 2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP. Hồ Chí Minh trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.
Theo bác sĩ Lê Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Để đánh giá trẻ bị thừa cân, béo phì, ngoài việc quan sát hình thể của trẻ cần dựa vào số đo cân nặng và chiều cao.
Trẻ bị thừa cân, béo phì chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, thức ăn nhanh (fast food), ăn nhiều vào buổi tối đặc biệt trước khi đi ngủ... đều có nguy cơ thừa cân, béo phì. Ngoài ra, còn do yếu tố di truyền hay ngủ ít.
Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật, cụ thể như: thoái hóa khớp, đau thắt lưng. Đối với hệ nội tiết, chuyển hóa, béo phì có thể dẫn đến tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút. Béo phì có thể gây rối loạn tiêu hóa, dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do nạp nhiều nước có gas và các loại thực phẩm đóng hộp. Về mặt tâm lý, trẻ béo phì dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến trẻ không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm. Đối với hệ tim mạch, bệnh béo phì gây tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi. Đối với hệ hô hấp, bệnh béo phì có thể làm giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm. Trẻ béo phì khi trưởng thành còn có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như: các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...
Để dự phòng thừa cân, béo phì, bác sĩ Đức lưu ý: với trẻ dưới 5 tuổi cần có chế độ ăn hợp lý, tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc; tăng cường hoạt động thể chất qua các hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, người mẹ cần chú trọng dinh dưỡng hợp lý trong thời gian có thai, nuôi con bằng sữa mẹ và theo dõi tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng tại gia đình và trường học nhằm phát hiện sớm thừa cân, béo phì để xử lý kịp thời. Với trẻ lứa tuổi học đường (6 - 19 tuổi): chương trình bữa ăn học đường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển tối ưu về thể chất và tinh thần. Bữa ăn nên bổ sung sữa (không đường); không sử dụng thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu, mỡ. Thức ăn cần đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ protein động và thực vật. Bữa ăn ở trường và ở nhà cần được phân phối hợp lý. Các em chỉ nên ăn dưới 4gram i-ốt/ngày, uống nước đã đun sôi, ngủ đủ trung bình 8 -10 giờ/ngày.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)