10:09, 26/09/2018

Cần thay đổi nhận thức của người dân

Những năm gần đây, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao, cần nhất vẫn là sự thay đổi về nhận thức của người dân.

Những năm gần đây, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao, cần nhất vẫn là sự thay đổi về nhận thức của người dân.


Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa triển khai nhiều hoạt động phòng, chống. Đến nay, Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai các hoạt động hưởng ứng luật; đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động; tổ chức nhiều sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý tham gia của người dân...

 

Mít tinh phòng, chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên ở tỉnh.

Mít tinh phòng, chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên ở tỉnh.


Nhờ đó những năm qua, tỷ lệ người hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đang có xu hướng giảm ở môi trường trong nhà, nơi làm việc, trường học và cả trên phương tiện công cộng. Tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá diễn ra tại Hà Nội (tháng 5-2018), đại diện Bộ Y tế khẳng định, thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng giảm  từ 12 đến 15%...


Mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhiều trên thế giới. Kết quả điều tra do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ nam giới Việt Nam hút thuốc vẫn ở mức hơn 40%. Nguyên nhân do giá thuốc lá bán trên thị trường tại Việt Nam không cao, chưa có sự quản lý việc mua bán thuốc lá. Thậm chí, trẻ vị thành niên, học sinh ở các trường học có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi… Cùng với đó, việc xử phạt hành chính vi phạm khi hút thuốc lá tại những khu vực cấm hầu như chưa được áp dụng; lực lượng giám sát, xử phạt vi phạm ít, trong khi số người hút thuốc lá lại quá nhiều nên chưa tạo được sức răn đe đối với những người có hành vi vi phạm. Không những thế, ở một số cơ quan, đơn vị, lãnh đạo chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, thậm chí nhiều lãnh đạo vẫn còn hút thuốc lá tại cơ quan, nơi công cộng, dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến cho cấp dưới chỉ mang tính hình thức, đối phó… Những điều này gây khó khăn, cản trở trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta.


Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để phòng, chống tác hại của thuốc lá thì việc nâng cao nhận thức trong người dân vẫn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo đó, để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về tác hại của thuốc lá, ảnh hưởng của thuốc lá đối với bản thân họ, với những người trực tiếp sử dụng thuốc lá. Tuyên truyền để người không sử dụng thuốc lá mạnh dạn nói không với những người hút thuốc lá tại nơi công cộng, nơi cấm hút, không còn giữ thái độ thờ ơ, quan niệm thuốc lá chỉ có hại với những ai trực tiếp sử dụng. Các quy định về nghĩa vụ của người sử dụng thuốc lá, về các địa điểm cấm hút thuốc lá, việc quảng cáo, bán thuốc lá... liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong lĩnh vực này cũng cần được tuyên truyền thường xuyên, để người dân nắm được, hiểu được các quyền lợi và nghĩa vụ của mình, thực hiện việc giám sát hoặc kiến nghị khi cần thiết. Song song đó, cần tăng cường công tác giáo dục từ trong gia đình, giúp trẻ vị thành niên có định hướng, nhận rõ tác hại của thuốc lá, qua đó biết cách nói không với thuốc lá.


T.Ly