12:09, 20/09/2018

Phát hiện sớm điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong số các bệnh ung thư ở nam giới. Theo thống kê của Bệnh viện K Trung ương, hàng năm, Việt Nam có khoảng 1.300 trường hợp mắc mới và gần 900 trường hợp tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong số các bệnh ung thư ở nam giới. Theo thống kê của Bệnh viện K Trung ương, hàng năm, Việt Nam có khoảng 1.300 trường hợp mắc mới và gần 900 trường hợp tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh càng cao.


Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Châu - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh, ung thư tuyến tiền liệt thường gặp ở độ tuổi trên 60. Các nguyên nhân sinh bệnh hiện vẫn chưa được biết rõ ràng. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường xâm lấn hoặc chèn ép gây tắc thấp đường tiết niệu, biểu hiện là các triệu chứng tiểu khó, tiểu gắt, bí tiểu, đôi khi tắc niệu quản. Hiếm gặp hơn, có thể có biểu hiện chèn ép, gây tắc nghẽn ở trực tràng. Ở mức độ nặng, dương vật khó cương cứng hoặc khó giữ tình trạng cương cứng; có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch. Khi ung thư đã di căn thường đau nhức ở lưng, hông háng, xương sườn hoặc các loại xương khác; người bệnh cảm thấy yếu sức, tê bại ở chân hoặc bàn chân, mất kiểm soát khi đi tiêu hay tiểu. Ở giai đoạn muộn, bệnh di căn xương gây đau xương, gãy xương bệnh lý... ; các hội chứng về thần kinh do u di căn đốt sống gây chèn ép tủy sống dẫn tới yếu liệt 2 chi dưới, liệt nửa người... Muộn hơn, ung thư di căn đến não, phổi, gan, dạ dày, tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa. Trên thực tế, có những trường hợp bệnh tiến triển âm thầm không có triệu chứng.

 

Siêu âm kiểm tra tuyến tiền liệt ở người cao tuổi

Siêu âm kiểm tra tuyến tiền liệt ở người cao tuổi




Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám tuyến tiền liệt qua trực tràng, xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu PSA (Prostatespecific antigen), đánh giá tỷ lệ PSA tự do/toàn phần, siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm qua trực tràng, sinh thiết tuyến tiền liệt, tổn thương di căn, xạ hình xương, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. Trong đó, sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của siêu âm (có thể qua trực tràng hoặc qua đáy chậu) hoặc sinh thiết tổn thương di căn để làm xét nghiệm mô bệnh học, đây được xem là tiêu chuẩn vàng, khẳng định bệnh ung thư tuyến tiền liệt.


Đối với điều trị bệnh, bác sĩ sẽ căn cứ vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe của người bệnh, giai đoạn phát triển bệnh (đang ở giai đoạn khu trú hay giai đoạn muộn) để có chỉ định cụ thể. Khi được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, nguyên tắc điều trị là cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, túi tinh và bóng của ống dẫn tinh, nạo hạch chậu. Các phương pháp điều trị phẫu thuật chủ yếu hiện nay đối với ung thư tuyến tiền liệt là phẫu thuật nội soi ổ bụng (LRP); phẫu thuật mở cắt toàn bộ tuyến tiền liệt qua đường sau xương mu hoặc qua đường tầng sinh môn.


Điều trị bằng thuốc với mục đích ngăn chặn quá trình phát triển tế bào ung thư, chủ yếu là ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn khi đã có tái phát và di căn xa không còn khả năng điều trị. Hiện nay, có một số kỹ
thuật mới không phẫu thuật để điều trị ung thư tuyến tiền liệt như: điều trị bằng chùm siêu âm cường độ cao qua đường trực tràng; phẫu thuật lạnh; điều trị bằng chùm tia xạ ngoài, chùm vi sóng, cắm kim nhiệt độ cao vào khối u. Theo đó, việc người bệnh đi khám tầm soát, phát hiện bệnh ung thư tuyến tiền liệt sớm và điều trị đúng là vô cùng quan trọng.


Bác sĩ TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)