11:08, 06/08/2018

Ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chỉnh hình nhi

Trước đây, các ca dị tật trẻ em, nhất là những ca khó gần như được chuyển lên tuyến trên để điều trị. Hơn 5 năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chú trọng phát triển chuyên ngành chỉnh hình nhi, giúp nhiều trẻ có được cuộc sống bình thường.

Trước đây, các ca dị tật trẻ em, nhất là những ca khó gần như được chuyển lên tuyến trên để điều trị. Hơn 5 năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng phát triển chuyên ngành chỉnh hình nhi, giúp nhiều trẻ có được cuộc sống bình thường.

 

Bác sĩ Tiếp khám bệnh cho trẻ mắc dị tật.

Bác sĩ Tiếp khám bệnh cho trẻ mắc dị tật.


Phẫu thuật thành công cho hàng trăm trường hợp dị tật


Thứ Bảy, Chủ nhật của tuần thứ 4 hàng tháng, hàng chục bệnh nhi mắc các dị tật bẩm sinh lại đến Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh để được các chuyên gia hàng đầu về cơ xương khớp ở TP. Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh. Đây là chương trình hợp tác được BVĐK tỉnh, BV Chợ Rẫy, BV Chấn thương Chỉnh hình, Hội Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh duy trì nhiều năm qua. Nhờ vậy, các bệnh nhi ở tỉnh không phải đi xa, đỡ tốn kém nhưng vẫn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

 

Ê-kíp bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ê-kíp bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn - Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, BV Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh: Chương trình hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa 2 đơn vị đã được triển khai 10 năm. Những năm đầu, chúng tôi tập trung chuyển giao về chỉnh hình, vi phẫu, gần đây chuyển giao thêm điều trị về dị tật bẩm sinh nhi. Đội ngũ y, bác sĩ của BVĐK tỉnh đã tiếp nhận và triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao và hoàn chỉnh một số kỹ thuật khó theo hướng tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành cái nôi điều trị về chấn thương chỉnh hình của khu vực nói chung và chỉnh hình nhi nói riêng.

Chị Trần Như Hạnh (xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa) đưa con đi tái khám cho biết: “Khi cháu được 2 tuổi, gia đình phát hiện cháu đi đứng có dấu hiệu bất thường nên đưa đến BVĐK tỉnh để khám, qua đó phát hiện cháu bị mắc dị tật trật khớp háng bẩm sinh. Được các bác sĩ tư vấn, gia đình yên tâm cho cháu phẫu thuật tại đây. Sau phẫu thuật, cháu đã đi đứng lại bình thường. Hôm nay, tôi đưa cháu đi tái khám”.


Trước đó, cuối năm 2017, BVĐK tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Cao Tinh (6 tuổi, dân tộc Raglai, ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) bị mắc bệnh xương thủy tinh. Vì té ngã, bé bị gãy xương đùi trái nặng. Các bác sĩ của BVĐK tỉnh và BV Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật cho bé theo phương pháp Sofeild (cắt xương thành từng đoạn nhỏ và ghép từng mảnh xương). Đây là một kỹ thuật rất khó, chỉ có một số BV tuyến Trung ương triển khai và chưa có BV tuyến tỉnh nào thực hiện được.


Chỉnh hình nhi là một trong những chuyên khoa khó, chính vì vậy, song song với việc phát triển chuyên môn bằng các đợt tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên, hội thảo chuyên sâu, BVĐK tỉnh còn mời và hợp đồng với một số chuyên gia ở TP. Hồ Chí Minh về Khánh Hòa để điều trị cho trẻ. Trung bình mỗi tháng, đoàn chuyên gia TP. Hồ Chí Minh kết hợp với các bác sĩ của BVĐK tỉnh thực hiện phẫu thuật cho từ 10 đến 15 cháu, khám chuyên khoa cho 50 - 70 cháu. Nhờ tiếp cận được các kỹ thuật điều trị từ tuyến trên, một số bệnh lý dị tật bẩm sinh khó ở trẻ như: chân, tay khoèo, trật khớp háng bẩm sinh, phẫu thuật xương thủy tinh, dị tật dính ngón tay, viêm gân tay ở trẻ, hoại tử chỏm xương đùi trẻ em, biến chứng của gãy xương chân tay bị lệch trục cứng khớp… đã được thực hiện tại BVĐK tỉnh. Riêng năm 2017, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công 120 bệnh nhân mắc các dị tật khó và hiếm gặp.


Tiếp nhận những kỹ thuật cao

 

Bác sĩ Phạm Đình Thành - Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh cho biết, sự chuyển giao kỹ thuật theo phương thức cầm tay chỉ việc, mời các chuyên gia để điều trị cho trẻ là những dịp để các bác sĩ tại BV nâng cao tay nghề, làm chủ được nhiều kỹ thuật mới. Nhờ đó, 2 năm gần đây, lượng bệnh nhi xin chuyển lên tuyến trên chiếm rất ít, chỉ khoảng 5%, giảm 4 lần so với trước đó. Bình quân mỗi tuần khoa tiếp nhận, phẫu thuật và điều trị từ 15 đến 20 ca liên quan đến chấn thương chỉnh hình nhi.


Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Tiếp - nguyên Phó Chủ tịch Hội Chấn thương - Chỉnh hình Nhi Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh, một trong những chuyên gia hợp tác với BVĐK tỉnh trong điều trị chấn thương chỉnh hình nhi nhiều năm nay cho biết: “Sau thời gian hợp tác, đến nay, các kỹ thuật khó chúng tôi đã chuyển giao gần hết cho BVĐK tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển giao điều trị phẫu thuật ngực lõm ở trẻ”.


Việc ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong ngành chấn thương chỉnh hình nhi tại BVĐK tỉnh đã góp phần giúp nhiều trẻ trên địa bàn tỉnh và khu vực có điều kiện hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.  


C.Đan