Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức của người dân về công tác phòng, chống sốt xuất huyết là biện pháp hữu hiệu được ngành Y tế chú trọng triển khai trong năm nay.
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức của người dân về công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) là biện pháp hữu hiệu được ngành Y tế chú trọng triển khai trong năm nay.
Thêm sự vào cuộc của đoàn viên, thanh niên
Chị Nguyễn Thị Cẩm Hiếu - Bí thư xã đoàn Diên Xuân cho biết, sau khi ngành Y tế và Đoàn Thanh niên ký kết phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh, từ tháng 6 đến nay, Đoàn Thanh niên của xã phối hợp với ngành Y tế tổ chức 5 đợt ra quân diệt lăng quăng tại các hộ với gần 50 đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) tham gia. Qua các đợt tuyên truyền, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, các ĐV-TN cũng nâng cao ý thức hơn trong phòng bệnh, tự diệt lăng quăng tại nhà. Hiện nay, xã đoàn đã thành lập các nhóm trên zalo, viber, facebook để kêu gọi và huy động thêm nhiều ĐV-TN tham gia và sử dụng kênh này để tuyên truyền cho họ”. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, trong đó có Đoàn Thanh niên, số ca mắc SXH của xã Diên Xuân từ đầu năm đến nay 12 ca, giảm 8 ca so với năm 2017.
Trong đợt kiểm tra mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tại thôn Xuân Đông, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, hơn 2/3 số hộ được kiểm tra đã dùng hoa nhựa thay cho hoa thật khi chưng trên bàn thờ, các dụng cụ chứa nước được đậy nắp cẩn thận. Bà Phạm Thị Thu - thôn Xuân Đông cho biết: “Hơn 2 tháng nay, xã tuyên truyền thường xuyên trên loa, đài; cán bộ y tế và đoàn thanh niên đến từng hộ tuyên truyền, giúp gia đình diệt và hướng dẫn cách diệt lăng quăng. Xã còn tổ chức phun hóa chất. Qua hướng dẫn, gia đình đã thay hoa tươi bằng hoa nhựa, các dụng cụ chứa nước được úp lại để tránh đọng nước…”.
Đẩy mạnh phối hợp với đoàn thanh niên
Những năm qua, ngành Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều thành lập các đội phòng, chống dịch SXH. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực ít ỏi, các cán bộ y tế khó có thể theo sát được tất cả các địa bàn. Bởi vậy, năm nay, bên cạnh việc phối hợp với các đoàn thể khác, ngành Y tế đẩy mạnh phối hợp với đoàn thanh niên ở từng địa phương trong công tác truyền thông, diệt lăng quăng phòng, chống SXH. Qua đó, vừa giảm bớt gánh nặng chuyên môn cho lực lượng y tế, vừa đem lại hiệu quả tốt hơn.
Ông Huỳnh Ngọc Trường - Phó Ban Thanh niên công nhân nông thôn và đô thị cho biết, sau khi Sở Y tế và Tỉnh đoàn ký kết và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn tỉnh năm 2018 vào tháng 3, ngành Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng cho tất cả các bí thư, phó bí thư đoàn cấp huyện, xã, trường học. Sau khi được tập huấn, lực lượng này đã về tập huấn lại cho ĐV-TN của đơn vị.
Cùng với đó, tại các xã, phường đã thành lập Đội Thanh niên tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Trong tháng 6, Tỉnh đoàn phối hợp với ngành Y tế ra quân diệt lăng quăng kết hợp với tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch bệnh ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố… Qua đợt kiểm tra, giám sát với ngành Y tế mới đây cho thấy, hầu hết các ĐV-TN tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh SXH như nội dung đã ký kết.
Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Với sự vào cuộc của các ban, ngành, nhất là đoàn thanh niên, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc SXH, giảm 19,2% so với cùng kỳ, xử lý thành công 38 ổ dịch trong các khu dân cư. Trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh SXH đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đoàn thanh niên đẩy mạnh truyền thông theo hướng người dân tự ý thức diệt lăng quăng tại nhà”.
C.Đan