10:05, 09/05/2018

Người dân chủ động lựa chọn sản phẩm

Hiện nay, người dân thị xã Ninh Hòa đã dần thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình do Nhà nước tài trợ, mà chủ động trả tiền để được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Hiện nay, người dân thị xã Ninh Hòa đã dần thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) do Nhà nước tài trợ, mà chủ động trả tiền để được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Đó là hiệu quả của Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 (gọi tắt Đề án 818).


Người dân thay đổi nhận thức


Chị Lê Thị Yến, 34 tuổi, ở tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm cho biết, chị đã dùng một số sản phẩm của Đề án 818 như: bao cao su Hello rất an toàn, dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro cũng tốt, dùng được cho cả gia đình, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng nên yên tâm, mặc dù giá hơi cao nhưng có chất lượng. Bây giờ, chị thường xuyên sử dụng các sản phẩm trên. Cùng thôn với chị Yến, chị Lê Thị Ngọc Linh, 35 tuổi cũng cho hay: “Tôi có 2 con gái và tránh thai bằng thuốc uống đã 10 năm, trước đây được cấp miễn phí. Hơn 1 năm nay, được cán bộ dân số bán cho loại Anna, tôi dùng rất hợp. Tôi không cảm thấy phiền khi bỏ tiền ra mua vì mình được lựa chọn sản phẩm tốt, giá cả cũng hợp lý. Vì vậy, tôi hay giới thiệu cho bạn bè cùng mua và sử dụng để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho bản thân”…

 

Cán bộ dân số tuyên truyền các sản phẩm Đề án 818 cho người dân.

Cán bộ dân số tuyên truyền các sản phẩm Đề án 818 cho người dân.


Bà Trịnh Thị Thùy Dương - cán bộ chuyên trách dân số phường Ninh Diêm cho biết, Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã triển khai Đề án 818 trên địa bàn xã từ tháng 8-2016. Thời gian đầu, nhiều người còn e ngại vì không biết sản phẩm chất lượng thế nào, giá thành hơi cao. Tuy nhiên, địa phương đã phối hợp với tổ dân phố, Trạm Y tế, Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền tận hộ gia đình để giới thiệu từng sản phẩm cụ thể về nguồn gốc, thành phần, công dụng và được Bộ Y tế cho phép đưa vào Đề án 818. Vì vậy, nhiều người đã dùng thử và thấy hiệu quả nên truyền tin nhau, từ đó người dân biết và tìm đến mua.


Nhờ chú trọng truyền thông


Đề án 818 được triển khai ở tỉnh từ cuối năm 2015. Năm 2016, Ninh Hòa là 1 trong 3 địa phương được chọn làm thí điểm. Bà Nguyễn Ngô Bích Khuê - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Ninh Hòa cho biết, khi triển khai đề án, trung tâm tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Trung tâm đã chỉ đạo ban dân số các xã tăng cường phối hợp với đoàn thể địa phương tổ chức truyền thông lồng ghép, tư vấn nhóm giới thiệu về các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, có lồng ghép truyền thông các sản phẩm của Đề án 818.


Theo thống kê, từ năm 2016 đến 2017, toàn thị xã đã tổ chức gần 900 buổi truyền thông; tư vấn kiến thức dân số, phòng bệnh trực tiếp tại hộ gia đình, trạm y tế cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Qua đó lồng ghép giới thiệu cho người dân các sản phẩm thuộc Đề án 818; đồng thời tư vấn cho những đối tượng có nhu cầu lựa chọn loại dịch vụ chất lượng, phù hợp với khả năng. Ngoài ra, trung tâm còn tuyên truyền qua mạng xã hội; trang bị kỹ năng tư vấn cho toàn thể cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số. Từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở… Kết quả, toàn thị xã đã tiêu thụ khoảng 1.180 lọ Gyno Pro dung dịch vệ sinh đa năng, 6.000 chiếc bao cao su Hello và Hello plus, 100 vỉ viên uống tránh thai Anna và hộp viên sắt Axit folic… của đề án.


Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngô Bích Khuê cho biết, đó mới là hiệu quả bước đầu. Sắp đến, ngành tiếp tục chú trọng tuyên truyền để người dân chủ động chi trả kinh phí khi sử dụng các phương tiện tránh thai phù hợp với sức khỏe, chất lượng cao. Bên cạnh đó, chỉ đạo ban dân số các xã lựa chọn những sản phẩm, phương tiện tránh thai phù hợp với điều kiện, thị hiếu người dân địa phương để tư vấn, tiếp thị sản phẩm có hiệu quả, mang lại lợi ích về sức khỏe sinh sản cho người dân...


Thiết Trang