Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Cam Lâm đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên. Qua đó giúp các em có nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu, phấn đấu đến năm 2020 giảm 30% số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn.
Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Cam Lâm đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên. Qua đó giúp các em có nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu, phấn đấu đến năm 2020 giảm 30% số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn.
Tuyên truyền cho lứa tuổi học sinh
Bà Lê Thị Bích Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Cam Lâm cho biết, năm 2017, ngành đã tăng cường phối hợp với các trường THCS, THPT, trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ. Đồng thời, hướng dẫn cho học sinh biết về các biện pháp tránh thai an toàn; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, xâm hại tình dục ở trẻ em. Trung tâm còn chú trọng công tác tham mưu chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
Em Hồ Văn Thiện - học sinh lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Cam An Bắc cho biết, qua 3 lần được nghe truyền thông về chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên, em biết cách chăm sóc SKSS cho bản thân, làm những việc phù hợp với lứa tuổi, tránh phạm sai lầm, sống lành mạnh. Cùng lớp, em Trần Ngọc Băng Nhã chia sẻ: “Trước kia, em ngại tìm hiểu các vấn đề tế nhị nhưng khi nghe cán bộ dân số cung cấp kiến thức, hướng dẫn rõ ràng nên em không lo lắng, chuẩn bị tâm lý tốt hơn để bước vào cuộc sống gia đình sau này”.
Cô Võ Thị Thu Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, nhà trường cũng chú trọng giáo dục chăm sóc SKSS cho các em, lồng ghép vào các môn công dân, sinh học, những giờ sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền dưới cờ hàng tuần. Ngoài ra, trường còn trang bị sách, tranh, tờ rơi, áp phích cho các em tự tìm hiểu, nắm bắt thông tin, kiến thức liên quan đến lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Trường cũng phối hợp với các cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ cho các em. Vì vậy, các em đều ý thức tốt, có nếp sinh hoạt và học tập lành mạnh, thực hiện đúng quy định của trường lớp nên chưa xảy ra bạo lực học đường cũng như chưa có trường hợp có thai ngoài ý muốn.
Tuyên truyền tại hộ gia đình
Ngoài tuyên truyền ở các trường học, Ban chỉ đạo công tác dân số huyện còn chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình và trạm y tế; đồng thời phối hợp với các ban, ngành lồng ghép sinh hoạt nhóm về công tác dân số trong tình hình mới. Riêng Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức gần 25 buổi nói chuyện chuyên đề trên địa bàn huyện, thu hút 400 đối tượng tham dự; cấp phát 17.650 tờ rơi các loại, treo gần 100 băng rôn ở các trục đường chính tuyên truyền các chính sách dân số, mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Riêng cấp xã, thị trấn đã tổ chức 159 buổi tư vấn nhóm tuyên truyền về các nội dung chăm sóc SKSS lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai cho hàng ngàn người dân; thăm và tư vấn cho 2.151 hộ gia đình… Nhờ vậy góp phần đưa công tác dân số của huyện luôn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu cấp trên giao, giảm tỷ suất sinh còn 11,24‰; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống còn 8,51%; tảo hôn chỉ còn 18 trường hợp.
Tuy nhiên, việc triển khai nội dung chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên không có kinh phí riêng, chủ yếu lồng ghép các hoạt động truyền thông chung, truyền thông phối kết hợp, vì thế rất bị động trong việc tổ chức thực hiện; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ. Khó khăn nhất vẫn là thiếu sự hợp tác, thiếu sự quan tâm, chia sẻ của các bậc phụ huynh trong việc trao đổi với con em mình về chăm sóc SKSS, giới tính do lo ngại “vẽ đường cho hưu chạy”. Trong khi đó, chương trình học phổ thông tuy đã có các buổi giáo dục giới tính và chăm sóc SKSS, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có chiều sâu, chưa đáp ứng nhu cầu của các em. Vì vậy, rất cần sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của phụ huynh trong việc giáo dục giới tính cho các em, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có lối sống văn minh, khỏe mạnh.
Thiết Trang