Từ năm 2007, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn ngày 25-4 hàng năm là ngày Thế giới phòng, chống sốt rét. Chủ đề năm nay là "Sẵn sàng đánh bại bệnh sốt rét". Điều này cho thấy, dù y học đã có những tiến bộ vượt bậc thì căn bệnh sốt rét vẫn là căn bệnh nguy hiểm cần sự chung tay đẩy lùi của cộng đồng, xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Từ năm 2007, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn ngày 25-4 hàng năm là ngày Thế giới phòng, chống sốt rét. Chủ đề năm nay là “Sẵn sàng đánh bại bệnh sốt rét”. Điều này cho thấy, dù y học đã có những tiến bộ vượt bậc thì căn bệnh sốt rét vẫn là căn bệnh nguy hiểm cần sự chung tay đẩy lùi của cộng đồng, xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Tại Khánh Hòa nói riêng, công tác phòng, chống bệnh sốt rét đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Bệnh chỉ tập trung tại những địa phương là vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn khó khăn về kinh tế; sự gia tăng tình trạng di biến động dân cư từ vùng không có lưu hành sốt rét vào vùng lưu hành sốt rét và sự giao lưu đi lại của lao động Việt Nam đến các quốc gia có lưu hành sốt rét như: Lào, Campuchia, Myanma… làm gia tăng nguy cơ mắc và lan truyền sốt rét. Nghiêm trọng hơn là hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cũng đã xuất hiện. Ngoài ra, tình trạng một bộ phận lao động tại các vùng sốt rét lưu hành đi rừng, ngủ rẫy, khai thác quặng, khai thác gỗ trái phép... khó tiếp cận để tuyên truyền và còn rất chủ quan trong áp dụng các biện pháp phòng, chống sốt rét.
Năm 2017, Dự án phòng, chống sốt rét tại Khánh Hòa được triển khai. Một số chỉ số giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016 và những năm trước đây. Chỉ số bệnh nhân sốt rét còn 0,12/1.000 dân số, giảm thấp nhất từ trước đến nay, đặc biệt không còn tử vong do sốt rét. Đầu năm 2017, Bộ Y tế phê duyệt lộ trình loại trừ sốt rét ở Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, ở Khánh Hòa, đến năm 2025, tất cả các huyện, thị xã, thành phố sẽ không còn bệnh sốt rét và chuyển sang giai đoạn đề phòng sốt rét quay lại, riêng Khánh Vĩnh thì năm 2028 phải loại trừ xong bệnh sốt rét. Như vậy, nhìn chung, Khánh Hòa đã đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để bảo đảm sự ổn định và yếu tố bền vững vẫn là một thách thức lớn. Lý do vẫn là câu chuyện muôn thuở, kinh phí. Hiện nay, đầu tư cho phòng, chống sốt rét cấp Trung ương có xu hướng tiết giảm, các nguồn đầu tư từ các tổ chức quốc tế ngày càng hạn chế gây nhiều khó khăn đến mục tiêu về phòng, chống và loại trừ sốt rét theo lộ trình đã được phê duyệt.
Do đó, nếu chỉ dồn công tác phòng, chống bệnh nói chung và bệnh sốt rét nói riêng cho riêng ngành Y tế sẽ không thể hoàn thành vì liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường. Vì vậy, để sẵn sàng đánh bại được sốt rét rất cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhất là vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện, giám sát, kiểm tra, nâng cao nhận thức cộng đồng...
Thế Lộc