11:01, 08/01/2018

Thời tiết thay đổi thất thường: Gia tăng bệnh ở người lớn tuổi

Mưa, lạnh kéo dài rồi đột ngột nắng nóng là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân lớn tuổi phải nhập viện vì suy hô hấp, tim mạch, huyết áp, đột quỵ… Tình trạng này kéo dài khoảng 3 tuần nay, gây quá tải ở một số cơ sở y tế.

Mưa, lạnh kéo dài rồi đột ngột nắng nóng là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân (BN) lớn tuổi phải nhập viện vì suy hô hấp, tim mạch, huyết áp, đột quỵ… Tình trạng này kéo dài khoảng 3 tuần nay, gây quá tải ở một số cơ sở y tế.


Có tiền sử về bệnh viêm phổi từ trước nên khi thời tiết chuyển lạnh, ông Đoàn Minh Đạt (60 tuổi, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) phải nhập viện vì suy hô hấp, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ. Sau khi được các bác sĩ cấp cứu tích cực, ông Đạt đã dần hồi phục, tuy nhiên, đột quỵ đã khiến ông bị liệt nửa người. Chị Đoàn Hoàng Anh - người nhà BN cho biết: “Khi ông ho, tưởng bình thường nên mọi người không để ý. Sau đó, ông kêu đau đầu, đo huyết áp thấy lên cao nên gia đình đưa ông vào viện, không nghĩ hậu quả lại nặng nề đến thế”.

 

Các giường bệnh ở Khoa Nội Tim mạch lão học luôn đông bệnh nhân.

Các giường bệnh ở Khoa Nội Tim mạch lão học luôn đông bệnh nhân.


3 tuần gần đây, Khoa Nội Tim mạch lão học, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Số lượng BN lớn tuổi nhập viện vì viêm phổi tăng gấp 5 lần, tăng huyết áp tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, khoa tiếp nhận 7 ca đột quỵ phải điều trị tích cực. Thời điểm trước, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 35 đến 40 ca cấp cứu vì các bệnh: tim mạch, huyết áp, nhồi máu cơ tim; gần đây, số BN nhập viện vào khoa tăng lên 40 - 50 ca, có những ngày lên đến 60 ca. Hiện nay, khoa chỉ có 140 giường bệnh phục vụ BN nội trú nhưng số lượng BN phải điều trị luôn hơn 200 người, đỉnh điểm có những ngày tăng đến 240 người.


Tại Khoa Nội Tim mạch lão học BVĐK khu vực Cam Ranh, Ninh Hòa và một số BVĐK tuyến huyện cũng rơi vào tình trạng tương tự với số BN lớn tuổi đến khám và điều trị tăng gấp đôi so với trước đó. Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh cho biết, bình thường mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 10 đến 20 BN lớn tuổi liên quan đến bệnh tim mạch, huyết áp, nhồi máu cơ tim...; tuy nhiên, gần một tháng nay, số BN tăng lên từ 25 đến 35 ca/ngày.
 

Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người nhà bị đột quỵ, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa BN đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ trong vòng 6 giờ đầu. Tuyệt đối không để BN ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị cho BN. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để BN ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng áo vùng cổ, nếu có răng giả thì phải lấy ra; tuyệt đối không cho BN ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay thuốc gì tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Trần Võ Vinh Sơn - Trưởng khoa Nội Tim mạch lão học cho biết: “Để tránh BN nằm đôi, nằm 3, khoa đã bố trí kê thêm giường để phục vụ BN. Đồng thời, để giảm bớt quá tải, khoa giải quyết cho những trường hợp nhẹ ra viện sớm, những BN đột quỵ đã ổn định cho chuyển qua Bệnh viện Y học Cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh để điều trị và tập phục hồi chức năng, những ca tăng huyết áp ổn định sẽ cho thuốc về nhà điều trị, hẹn tái khám định kỳ…”.


Một trong những khó khăn trong công tác điều trị cho các BN lớn tuổi vào mùa này là do tuổi già sức yếu nên người bệnh thường mắc nhiều bệnh một lúc, khiến thời gian nằm viện kéo dài. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, nhiều BN tự ý sử dụng thuốc trước khi đến bệnh viện, khiến công tác điều trị, chẩn đoán bệnh gặp nhiều trở ngại. Tại Khoa Nội Tim mạch lão học, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận khoảng 5 ca xuất huyết tiêu hóa do BN sử dụng thuốc bừa bãi.


Theo các bác sĩ, số BN bị đột quỵ và các bệnh tim mạch gia tăng do thời tiết lạnh làm huyết áp tăng, làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn dễ dẫn đến đột quỵ; người lớn tuổi dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn. Điều đáng lưu ý là thời tiết lạnh, người cao tuổi thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, đến khi vào bệnh viện thì thường bệnh đã rất nặng.


Vì thế, theo bác sĩ Sơn, để phòng bệnh trong mùa lạnh, người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Có thể tập thể dục hoặc vận động ở trong nhà, nhưng không nên ra khỏi nhà khi thời tiết lạnh. Những người có bệnh mãn tính, huyết áp, cần sử dụng thuốc hàng ngày và đo huyết áp thường xuyên.


CÁT ĐAN