12:12, 28/12/2017

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Diên Khánh: Có xu hướng giảm

Diên Khánh từng là địa phương báo động về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nhờ Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện kịp thời chỉ đạo tăng cường phối hợp tuyên truyền nên cuối năm 2017, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh toàn huyện giảm còn 110,6 bé trai/100 bé gái.

Diên Khánh từng là địa phương báo động về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nhờ Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện kịp thời chỉ đạo tăng cường phối hợp tuyên truyền nên cuối năm 2017, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh toàn huyện giảm còn 110,6 bé trai/100 bé gái.


Khoảng 75% người dân Diên Khánh sống ở vùng nông thôn, chủ yếu làm nông nghiệp. Vì vậy, họ vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam, muốn có con trai để nối dõi tông đường, làm công việc nặng nhọc, chăm sóc bố mẹ lúc về già. Đã có một số người tìm hiểu kiến thức, can thiệp y học để sinh con trai. Hệ lụy dẫn đến sự chênh lệch giới tính khi sinh ngày một tăng, năm 2015, tỷ lệ này trên địa bàn huyện lên tới 112%.


Ông Đỗ Trọng Cư - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Diên Khánh cho biết, với thực trạng trên, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh theo từng năm. Theo đó, chú trọng công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới. Đặc biệt, tuyến xã, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo sát sao, phân công trách nhiệm cụ thể cho Ban DS xã phối hợp với hội, đoàn thể lồng ghép tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt, hội thi về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh. Đài Truyền thanh xã phát tin liên tục về các chính sách nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Trong tháng 10, triển khai chiến dịch giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, toàn huyện đã tổ chức 19 buổi nói chuyện chuyên đề cho hơn 650 đối tượng; tư vấn trực tiếp cung cấp kiến thức cho hơn 90 nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn; tổ chức nhiều buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên tại các trường học…


Vợ chồng chị Huỳnh Thị Thu Hà (31 tuổi, thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ) sinh được 2 con gái nhưng đã quyết định dừng sinh vì muốn đủ điều kiện đầu tư cho con ăn học. “Quan niệm bây giờ cũng đã đổi khác nhiều, con trai cũng như con gái đều có quyền lợi, trách nhiệm ngang nhau. Quan trọng là con sinh ra khỏe mạnh, lớn lên thành người có ích cho xã hội”, chị Hà nói. Cùng xã, anh Trần Đức Xuân (thôn Phước Lương) cũng tự hào vì anh có 2 con gái rất ngoan. Anh cho biết: “Xã hội bây giờ phát triển, phụ nữ cũng có vai trò quan trọng như nam giới. Con nào có chí, biết hiếu thảo thì sẽ được gia đình đầu tư nhiều hơn”.


Chị Phan Thị Đẹp - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Thọ cho hay, hàng năm, Hội Phụ nữ xã đều phối hợp với Ban DS xã tổ chức các buổi tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là các chị em trong độ tuổi sinh đẻ, nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn biết được nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới, vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội… Ngoài ra, cán bộ phụ nữ còn cùng với cán bộ chuyên trách DS xã đến từng hộ gia đình vận động không sinh con thứ 3 trở lên, thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả; xã còn tổ chức biểu dương những hộ gia đình sinh con một bề gái tiêu biểu.


Nhờ cán bộ DS và chính quyền các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền nên cuối năm 2017, sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh đã được rút ngắn xuống còn 110,6 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ của huyện cũng đang đứng trước những thách thức lớn như: tỷ lệ già hóa DS đang tăng nhanh; tỷ số giới tính khi sinh chưa ổn định; số con trung bình trên một phụ nữ thấp… Vì vậy, năm 2018, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ, chuyển trọng tâm DS-KHHGĐ sang DS phát triển; lồng ghép công tác DS vào chương trình hoạt động của các cấp, ngành, huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Đặc biệt, tăng cường truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy, cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tổ chức các đợt truyền thông vận động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao, phấn đấu giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn 108%, góp phần nâng cao chất lượng DS.


Thiết Trang