12:12, 25/12/2017

Nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá

Tháng 11 vừa qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế phối hợp với Liên minh Quốc tế phòng, chống lao và bệnh phổi (The UNION) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận động tăng thuế thuốc lá. Hội thảo nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Tháng 11 vừa qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế phối hợp với Liên minh Quốc tế phòng, chống lao và bệnh phổi (The UNION) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận động tăng thuế thuốc lá. Hội thảo nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
 
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để góp phần thực hiện được Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam từ 45,3% năm 2015 xuống còn 39% vào năm 2020 thì Việt Nam nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
 

 

Hưởng ứng xây dựng TP. Nha Trang không khói thuốc

Hưởng ứng xây dựng TP. Nha Trang không khói thuốc

 
Theo các đại biểu, xu hướng chung trên thế giới là tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biết đối với thuốc lá, rượu, bia nhằm hạn chế tiêu dùng, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Thuế cao hơn sẽ được chuyển hóa vào giá và làm tăng giá thuốc lá. Người tiêu dùng phản ứng với sự tăng giá bằng cách giảm tiêu dùng, nhất là đối với trẻ vị thành niên, người nghèo. Khi thuế tăng, giá thuốc lá tăng sẽ tạo động lực cho nhiều người trong nhóm này bỏ thuốc. Những người tiếp tục hút cũng sẽ cố gắng hút ít đi. Giá thuốc cao hơn cũng sẽ khiến nhiều người không bắt đầu hút thuốc.
 
Lý giải cho lo sợ tăng thuế thuốc lá sẽ làm tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ chương trình Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy buôn lậu thuốc lá thực chất không có mối tương quan với mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hay thấp. Cụ thể, qua phân tích số liệu từ 76 quốc gia cho thấy, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công khi áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Còn tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao.
 
Theo một số đại biểu, tại Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng buôn lậu thuốc lá trước hết do thuế nhập khẩu thuốc lá ngoại đang duy trì ở mức 135%. Thuế suất thuế nhập khẩu cao làm cho thuốc lá ngoại nhập khẩu hợp pháp khó tiêu thụ vì giá bán cao, do đó tạo động lực gây ra buôn lậu thuốc lá. Kế đến do thói quen người dùng thích dùng một số nhãn thuốc lậu. Hiện nay, 80 - 90% số lượng thuốc lá lậu là nhãn Jet và Hero. Hai nhãn thuốc này có hàm lượng tar và nicotine rất cao, phù hợp với những người nghiện nặng thuốc lá.
 
Do kinh doanh thuốc lá lậu có lợi nhuận cao nên hiện nay, trong cả nước, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu vẫn diễn ra khá phổ biến, người dân có thể dễ dàng mua được các loại thuốc lá nhập lậu tại các tủ thuốc vỉa hè, cửa hàng tạp hóa… Công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn do các đối tượng buôn bán thuốc lá lậu rất tinh vi, thường đối phó bằng cách cất giấu thuốc lá trong nhà, phòng ngủ, nhà vệ sinh. Để bắt được, lực lượng quản lý thị trường phải cử người trinh sát trước, mặc thường phục vào hỏi mua. Nếu phát hiện bán thuốc lá lậu, lực lượng chức năng mới ập vào bắt tại trận...
 
Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, 11 tháng năm 2017, qua kiểm tra 195 cơ sở thì có đến 183 trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Chi cục đã xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước hơn 380 triệu đồng, tịch thu hơn 3.430 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại. 
 
Được biết, trong tháng 8, Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo đề xuất Chính phủ tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo 2 phương án. Phương án 1: áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (gồm thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Cụ thể, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 70% năm 2016 lên 75% năm 2019. Ngoài tỷ lệ trên, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020. Phương án 2: tăng thuế theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%; từ năm 2021 sẽ tăng lên 85%. 
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng thuế thuốc lá là giải pháp làm giảm gần 50% nhu cầu sử dụng thuốc lá. Hy vọng đề xuất của Bộ Tài chính sẽ sớm được thông qua, góp phần hạn chế nhiều người, đặc biệt là thanh niên tiếp cận thuốc lá, tiến tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
 
T.Ly