10:12, 22/12/2017

Chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá

Thời gian qua, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại  thuốc lá, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Thời gian qua, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại  thuốc lá, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.


Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng luật như: đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của công chức, viên chức, người lao động; truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng được triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, các tài liệu đào tạo về kỹ năng cho các cán bộ truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá cũng được xây dựng cụ thể; các Tuần lễ quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, các hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ hướng dẫn thi hành luật được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước...

 

Mít tinh hưởng ứng ngày Không khói thuốc lá tại Khánh Hòa

Mít tinh hưởng ứng ngày Không khói thuốc lá tại Khánh Hòa


Hưởng ứng các hoạt động trên, tiếp nối những năm trước, năm 2017, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc và tăng cường việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Mục tiêu tập trung nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của luật và các văn bản hướng dẫn; giám sát, đánh giá tình hình các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia hoạt động trên. Để triển khai các mục tiêu trên, Ban chỉ đạo đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng dưới nhiều hình thức. Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị giáo dục, y tế, doanh nghiệp tổ chức 39 buổi nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn; truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại thuốc lá tại 8 bệnh viện với 1.200 người tham dự; truyền thông cho 6.300 học sinh của 21 trường học và 2.500 cán bộ, công nhân ở 10 cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Song song đó, tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho 400 cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống thuốc lá của tỉnh, lãnh đạo ở các trường học, cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị... Ngoài ra, toàn tỉnh lắp đặt 7 cụm pa-nô tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá tại 7 huyện, thị xã, thành phố, 30 pa-nô thực thi môi trường không khói thuốc, 2.000 bảng mica, 2.000 biển báo cấm hút thuốc và phân phát 20.000 tờ rơi cho các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn... trên địa bàn tỉnh; tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá (31-5)....


Nhờ sự chung tay của cả nước, kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam của GATS cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% (năm 2010) xuống 22,5% (năm 2015), tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm, giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Đặc biệt, tại các khu vực thành thị, tỷ lệ hút thuốc chung giảm đáng kể từ 23,3% xuống 20,6%. Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%. Qua đó, có thể nhận thấy công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.


Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực và thường xuyên hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể; các quy định của luật cần được đưa vào hoạt động thi đua của từng đơn vị và có tổng kết đánh giá hàng năm. Ngoài ra, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cho việc quản lý, mua bán và xử phạt nghiêm việc vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng.


T.LY