10:11, 28/11/2017

Nhiều giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020". Trong đó, tập trung giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”. Trong đó, tập trung giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.


Chiến lược đề ra các mục tiêu: giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên (15 - 24 tuổi) từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020; nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020; nữ giới xuống dưới 1,4% năm 2020. Đồng thời, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc.

 

zzĐoàn viên, thanh niên trong tỉnh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá

Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá


Để hoàn thiện các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Trong đó, có quy định rõ về mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm; xây dựng văn bản hướng dẫn và thực hiện xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định cấm sử dụng người dưới 18 tuổi bán thuốc lá hoặc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, cấm bán thuốc lá bằng máy bán tự động; xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế và quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá bảo đảm mục tiêu không tăng và tiến tới giảm dần sức mua các sản phẩm thuốc lá; tiến tới quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất thuốc lá và mạng lưới kinh doanh thuốc lá; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông thuốc lá từ bán buôn đến bán lẻ. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá; từng bước chuyển đổi ngành nghề cho người lao động trong ngành thuốc lá.


Cùng với đó, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể về thông tin, truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá và tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ kiện toàn Ban chủ nhiệm Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá tại các tỉnh, thành phố; phát triển mạng lưới và nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá từ Trung ương đến địa phương. Song song đó, Chính phủ sẽ đa dạng hóa nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá từ nhiều nguồn và thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này...


Giai đoạn 1 (2013 - 2015) của chiến lược đã được triển khai với nhiều hoạt động. Trong đó, tập trung vào việc phổ biến về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ các sản phẩm thuốc lá; thực thi quy định về môi trường không khói thuốc; hoàn thiện về cơ chế, tổ chức để quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá; đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, củng cố tổ chức và mạng lưới phòng, chống tác hại thuốc lá; tăng cường năng lực điều phối của Bộ Y tế về phòng, chống tác hại thuốc lá.


Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã và đang tiếp tục tăng cường thực thi quy định môi trường không khói thuốc lá; thực hiện các nghiên cứu, đánh giá về tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tiếp xúc thụ động với khói thuốc; giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ các sản phẩm thuốc lá, kinh doanh bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá...


Theo quan điểm của Chính phủ, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá phải được sự quan tâm của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất liên ngành. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng; tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Đi cùng với đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại thuốc lá...


Cát Đan