Ngày 8-8, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng Sở Y tế, Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh… kiểm tra tình hình sốt xuất huyết tại huyện Diên Khánh.
Ngày 8-8, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng Sở Y tế, Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh… kiểm tra tình hình sốt xuất huyết (SXH) tại huyện Diên Khánh. Đây là địa phương có tỷ lệ người mắc bệnh SXH cao nhất trên toàn tỉnh hiện nay…
Người dân còn chủ quan
Đến kiểm tra trực tiếp tại các hộ dân ở thôn Đảnh Thạnh và thôn Mỹ Lộc, xã Diên Lộc, đoàn công tác ghi nhận người dân còn chủ quan, chưa có ý thức chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh dù đã được tuyên truyền. Trong số các gia đình đoàn đến kiểm tra, chỉ có một hộ làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế là bỏ một ít xà phòng vào bình cắm hoa để tránh lăng quăng. Còn lại các hộ khác, việc vệ sinh vườn tược, vứt bỏ những chai lọ cũ, để nước đọng trong vườn còn khá nhiều. Tại hộ bà Nguyễn Thị Đựng (thôn Đảnh Thạnh), những chiếc nón lá, mũ bảo hiểm không sử dụng để lăn lóc ngoài vườn, chứa đầy nước mưa; máng đựng nước uống cho gà không được thay nước hàng ngày. Kiểm tra nhanh các bình hoa trên bàn thờ, có khá nhiều lăng quăng. “Đổ nước bình hoa mới 4, 5 ngày nên tôi nghĩ không sao, không ngờ lại có lăng quăng. Còn máng đựng nước cho gà, bây giờ tôi sẽ vệ sinh, thay nước đều đặn”, bà Đựng nói.
Được biết, mấy ngày trước, tại xã Diên Lộc có một trường hợp bị mắc bệnh SXH, phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh. Cán bộ y tế xã Diên Lộc cho biết, thời gian qua, tuy đã được tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh SXH nhưng đa số người dân chưa chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Năm 2015, xã Diên Lộc từng là điểm bùng phát dịch SXH, có số ca mắc bệnh cao nhất của huyện Diên Khánh. Song đến nay, ý thức phòng, chống bệnh của người dân vẫn chưa chuyển biến. Qua kiểm tra, bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đánh giá, theo các chỉ số ghi nhận được, nguy cơ dịch bệnh SXH ở đây rất cao.
Còn gặp khó khăn
Theo thống kê, đến ngày 7-8, toàn huyện Diên Khánh có 364 ca mắc SXH, rải rác đều trên 19 xã, thị trấn. Các địa bàn có số ca mắc cao là: thị trấn Diên Khánh (45 ca), xã Diên Điền (25 ca), xã Suối Hiệp (24 ca), xã Diên An (23 ca)… Huyện ghi nhận có 11 ổ dịch SXH tại cộng đồng và đã được xử lý kịp thời theo quy định. Ngoài Diên Lộc, đến nay vẫn còn 2 xã có nguy cơ bùng phát dịch cao là Diên Phước và Suối Hiệp.
Theo thống kê của Viện Pasteur Nha Trang, tính đến tuần thứ 31 (từ ngày 31-7 đến 6-8), Khánh Hòa có 1.678 ca mắc SXH, cao thứ 2 trong 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung được khảo sát. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Xuân Huy - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang nhận định, với diễn biến như hiện nay, thời gian tới, dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là thời tiết đang diễn biến thất thường; các chủng vi rút có chiều hướng gia tăng so với các năm… Vì vậy, cần có sự vào cuộc gấp rút, kịp thời của tất cả cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, vận động người dân, ra quân xử lý các ổ dịch. Có như vậy, dịch bệnh mới được ngăn chặn hiệu quả. |
Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, thống kê chung toàn tỉnh, Diên Khánh đứng thứ 2 sau Nha Trang về số ca mắc SXH. Nhưng tính về tỷ lệ số ca mắc trên 100.000 dân, huyện Diên Khánh đứng đầu toàn tỉnh với 259 ca. Qua kiểm tra thực tế, địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhưng nhận thức của người dân về vấn đề này chưa được nâng cao, cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Ông Phạm Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết, hiện nay, khó khăn nhất trong công tác phòng, chống dịch SXH ở địa phương là nâng cao nhận thức của người dân. Tại các xã, người dân còn tâm lý trông chờ vào ngành Y tế. Khi mắc bệnh, người dân thường đến các quầy thuốc tư nhân mua thuốc chứ không vào bệnh viện, cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu tập huấn cho các đoàn thể, chi hội phối hợp tuyên truyền; tập huấn, yêu cầu các nhà thuốc, cơ sở tư nhân không bán thuốc cho người nghi bị SXH, phải yêu cầu đến cơ sở y tế khám”, ông Đức nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng kinh phí của UBND huyện trong công tác thuê nhân công xịt, phun thuốc diệt muỗi. “Việc phun thuốc diệt muỗi có kinh phí của Trung ương. Hiện nay, giá thuê nhân công xịt thuốc ở Diên Khánh được quy định là 130.000 đồng/ngày. Với mức này, rất khó để thuê người phun thuốc”, bà Hương nói.
Không được để bùng phát dịch
Ông Nguyễn Đắc Tài nhận định, nguy cơ về bùng phát dịch SXH tại huyện Diên Khánh đang rất cao. Do đó, UBND huyện cần phải triển khai mọi biện pháp phòng ngừa, tuyệt đối không được để bùng phát dịch; cứu chữa kịp thời người bệnh, không được để xảy ra tử vong. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách tăng cường phát tin trên đài truyền thanh; soạn tờ rơi phát đến từng nhà dân; chỉ đạo các đoàn thể, chi hội cùng vào cuộc, tham gia tuyên truyền… Nếu hộ gia đình nào không chấp hành, có thể đưa lên đài truyền thanh để nhắc nhở, biện pháp cuối cùng là xử phạt. Sở Y tế cần chỉ đạo các bệnh viện chủ động có kế hoạch cứu chữa bệnh, bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc men, sẵn sàng cho mọi trường hợp; Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế tham mưu về việc chi ngân sách hỗ trợ công tác phun thuốc diệt muỗi, giải quyết vướng mắc cho huyện ngay trong tuần. “Huyện Diên Khánh đang có dấu hiệu là địa phương trọng điểm về dịch bệnh SXH, cần phải dồn mọi nội lực, nhân lực để triển khai dập các ổ dịch. Cùng với đó, phải làm có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Mục tiêu đặt ra là không để bùng phát dịch; không có bệnh nhân nào tử vong”, ông Nguyễn Đắc Tài nhấn mạnh.
VĨNH THÀNH