06:08, 15/08/2017

Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh-: Cần mở rộng hoạt động

Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và ở tỉnh nói riêng, tỷ lệ người có nhóm máu mang kháng nguyên Rh- rất hiếm (gọi tắt là nhóm máu hiếm Rh-), chiếm khoảng 0,04% - 0,07%. 

Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và ở tỉnh nói riêng, tỷ lệ người có nhóm máu mang kháng nguyên Rh- rất hiếm (gọi tắt là nhóm máu hiếm Rh-), chiếm khoảng 0,04% - 0,07%. Chính vì vậy, tính mạng của những người mang nhóm máu này rất dễ lâm vào tình trạng nguy cấp nếu khi bệnh không có máu cùng nhóm để truyền...


Tháng 3 vừa qua, sản phụ P.T.A.N. (TP. Nha Trang) nhập viện vào Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chẩn đoán thai ngoài tử cung, phải phẫu thuật cấp cứu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân (BN) N. mất nhiều máu, cần được truyền máu khẩn cấp, trong khi nhóm máu B với kháng nguyên Rh- của BN thuộc loại cực hiếm trong cộng đồng. Trong kho máu dự trữ của Trung tâm Huyết học truyền máu (HHTM) tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng không có. Trước tình trạng nguy cấp của BN, chị Bùi Thị Hồng Vân (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) - thành viên của Câu lạc bộ (CLB) nhóm máu hiếm Rh- ở tỉnh đã tình nguyện hiến máu khẩn cấp để cứu người.

 

Thành viên của câu lạc bộ tham gia hiến máu cứu người
Thành viên của câu lạc bộ tham gia hiến máu cứu người


Năm trước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận BN N.V.T. (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, bị mất nhiều máu. Máu của BN cũng thuộc nhóm máu hiếm Rh-, không có trong kho máu của bệnh viện. Hai thành viên của CLB nhóm máu hiếm Rh- được liên hệ hiến máu khẩn cấp. Nhờ đó, T. đã được cứu sống.

 

Đặc biệt nhất là với phụ nữ mang thai thuộc nhóm máu Rh- mà có chồng mang nhóm máu  Rh+. 2 nhóm máu này kết hợp thì em bé có thể mang Rh+ (do di truyền từ người cha, tỷ lệ này chiếm 50%). Khi ấy, hai mẹ con không cùng kháng nguyên Rh. Cơ thể người mẹ sẽ tạo ra các kháng thể chống lại Rh+ của con. Các kháng thể này có thể đi qua nhau thai để vào người con, làm cho hồng cầu của con bị vỡ dẫn đến thiếu máu, tổn thương não, suy tim và trẻ có thể tử vong lúc sinh ra hay ngay khi còn trong bụng mẹ. Tình huống này thường xảy ra khi người mẹ mang thai lần thứ hai trở đi và mức nguy hiểm tăng dần theo số lần mang thai. Riêng lần mang thai đầu tiên mức kháng thể do người mẹ tạo không đủ lớn để ảnh hưởng đến thai nhi.

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp các thành viên của CLB nhóm máu hiếm Rh- tham gia hiến máu khẩn cấp cứu người. Qua 5 năm thành lập, các thành viên trong CLB đã tham gia hiến hàng trăm đơn vị máu, cứu sống được nhiều BN. Khi được hỏi, các thành viên cho biết, họ đến với CLB là do nhận thức mức độ nguy hiểm khi mang trong mình nhóm máu hiếm.  

 
Anh Bùi Tấn Lực (xã Diên Hòa, Diên Khánh) - thành viên CLB chia sẻ: “Từ lúc biết mình thuộc nhóm máu hiếm với kháng nguyên Rh- tôi rất lo. Vì những người thuộc nhóm máu này ở Việt Nam chỉ chiếm 0,04 đến 0,07% nên nếu có sự cố gì cần truyền máu thì những người có nhóm máu hiếm Rh- như chúng tôi sẽ có ít cơ hội sống hơn những người có nhóm máu bình thường khác”. Chị Phan Thị Hoài Khương (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) - thành viên CLB cho biết: “Trong một lần đi khám bệnh, thử máu tôi mới biết mình thuộc nhóm máu hiếm Rh-. Tôi rất lo lắng và sợ sau này có bệnh gì, nếu cần truyền máu thì không biết tìm ở đâu. Được mọi người giới thiệu, tôi tham gia CLB vừa mong muốn được hiến máu cứu người nhưng cũng là cơ hội để cứu sống mình nếu chẳng may mình có sự cố cần truyền máu”.


Bác sĩ Võ Xuân Thành - Phó Giám đốc Trung tâm HHTM tỉnh cho biết, mỗi người được đặc trưng bằng một nhóm máu, có tất cả 4 nhóm: A, B, O và AB. Ngoài ra, trong mỗi nhóm máu còn có kháng nguyên Rhesus (Rh). Nếu trong máu có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh dương tính (+), nếu không có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh âm tính (-). Ở Việt Nam, nhóm máu có kháng nguyên Rh- rất hiếm gặp. Đặc điểm của nhóm máu Rh- là có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh+ hoặc Rh- nhưng chỉ nhận được người có nhóm máu Rh-. Nếu không được truyền đúng nhóm máu có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm cho người mang Rh-.


Chính vì mức độ nguy hiểm trên nên năm 2012, Trung tâm HHTM tỉnh đã thành lập CLB nhóm máu hiếm Rh-. Một mặt, giúp các thành viên của CLB hiểu được nhóm máu của mình, mặt khác có thể huy động được nguồn máu hiếm khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, CLB chỉ thu hút được 25 thành viên. Việc phát hiện những người có nhóm máu này hầu hết đều qua việc xét nghiệm máu người bệnh hoặc người tham gia hiến máu tình nguyện. Khi đó, họ được bệnh viện và trung tâm giải thích, tư vấn về nhóm máu của mình, vận động tham gia vào CLB, đồng thời thuyết phục họ đưa bố mẹ, anh em trong gia đình đến Trung tâm HHTM tỉnh để thử máu. Tất cả những kinh phí này đều được trung tâm thực hiện miễn phí. “Việc mở rộng CLB là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trung tâm không có đủ nhân lực và kinh phí để thực hiện tầm soát người mang nhóm máu hiếm Rh- tại tỉnh”, bác sĩ Thành nói.


T.L


 



Bác sĩ Võ Xuân Thành - Phó Giám đốc Trung tâm HHTM tỉnh: Người có nhóm máu Rh- được truyền máu Rh+, trong lần đầu tiên sẽ không có bất kỳ phản ứng tức thì nào. Tuy nhiên, sau 2 - 4 tuần, cơ thể của người mang nhóm máu Rh- sẽ sản sinh ra lượng kháng thể để làm ngưng kết hồng cầu Rh+ được truyền vào cơ thể. Sau 4 tháng, nếu tiếp tục truyền máu Rh+ lần thứ 2, kháng thể này sẽ hủy hoại các hồng cầu nào có Rh+, dẫn đến BN sẽ bị tán huyết cấp như: đau thắt ngực, đau lưng, đau bụng, sốt, giảm huyết áp, khó thở, shock… và có thể dẫn đến tử vong.