Những năm gần đây, một số bệnh viện trong tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp nuốt phải các dị vật như: đồng xu, kim áo, pin...
Những năm gần đây, một số bệnh viện (BV) trong tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp nuốt phải các dị vật như: đồng xu, kim áo, pin... Phần lớn bệnh nhân là trẻ em và hầu hết đều được nội soi gắp dị vật kịp thời. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nếu dị vật đi xuống dạ dày và thành ruột dễ gây những biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, BV Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2 trường hợp trẻ vô ý nuốt đồng xu trong lúc chơi game. Đối với bệnh nhi Đ.T.L (6 tuổi, phường Phước Tiến, TP. Nha Trang), qua chụp X-quang, các bác sĩ xác định đồng xu nằm trong thực quản nên chỉ định nội soi cấp cứu lấy dị vật kịp thời. Trường hợp bé N.T.K (4 tuổi, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng đồng xu đã trôi xuống dạ dày, các bác sĩ đã thực hiện nội soi nhưng không thể gắp ra. Bé K. phải nằm lại BV để theo dõi. May mắn sau 4 ngày, đồng xu theo đường tiêu hóa thải ra ngoài.
Thực hiện nội soi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh |
Giữa năm 2016, các bác sĩ BV Đa khoa khu vực Cam Ranh cũng thực hiện phẫu thuật nội soi gắp được chiếc răng giả và cung hàm răng giả rất sắc bén dài khoảng 10cm trong dạ dày bệnh nhân L.T.K.N (47 tuổi, trú xã Cam Thịnh Đông). Do dị vật đã đâm xiên vào thân dạ dày nên trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải rất cẩn trọng để hạn chế gây tổn thương thêm các khu vực xung quanh.
Bác sĩ nội soi Cáp Thị Thanh Thủy - BV Đa khoa tỉnh cho biết, những năm gần đây, Khoa Ngoại tổng quát tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nuốt phải kim băng, pin đồng hồ đeo tay, bông tai, hạt đậu, miếng đồ chơi lắp rắp nhỏ, hạt trân châu bằng nhựa... Ở người già thì thường nuốt phải răng giả, xương cá, xương heo, gà, có trường hợp nuốt cả viên thuốc còn bọc trong vỉ. Các trường hợp dị vật còn nằm ở thực quản thì nội soi gắp ra tương đối dễ. Đối với những trường hợp dị vật đi xuống dạ dày, việc gắp dị vật bằng nội soi rất khó. “Sợ nhất là dị vật đi xuống đường ruột và mắc phải ở van nối giữa ruột non và ruột già. Nếu mắc ở đây, nó sẽ gây biến chứng tắc ruột. Nếu không phát hiện và mổ lấy dị vật kịp thời thì biến chứng này có thể gây tử vong cho trẻ”, bác sĩ Thủy cho biết.
Bệnh nhi với đồng tiền xu nuốt vào bụng |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tồn - Phó Khoa Ngoại tổng quát, BV Đa khoa tỉnh cho biết, thông thường tiền xu nuốt phải thường trôi qua hệ tiêu hóa mà không gây biến cố gì. Tuy nhiên, tiền xu có thể đặc biệt nguy hiểm nếu bị tắc lại. Vì tiền xu được làm từ kẽm nên khi tiếp xúc với acid trong dịch vị, nó tạo thành hợp chất ăn mòn, có thể bào mòn niêm mạc gây loét dạ dày. Bên cạnh đó, loại pin nhỏ như cúc áo cũng đặc biệt nguy hiểm khi trẻ nuốt vào, bởi nếu bị mắc lại ở thực quản, dạ dày hoặc ruột, dịch pin ăn mòn sẽ gây tổn thương các cơ quan này. Ngoài ra, các vật sắc nhọn như: kim băng, bông tai, miếng ghép đồ chơi… khi trẻ nuốt vào có thể gây trầy xước hầu họng, nếu trôi xuống dạ dày, ruột có thể gây thủng các bộ phận trên, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cẩn thận không cho trẻ em chơi đồng xu, hay các vật dễ nuốt, dễ rơi vào đường thở rất nguy hiểm. Nếu thấy con mình nuốt phải dị vật và có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào dưới đây: khó thở, khó nói hoặc khó khóc, không ho được, thở khò khè hoặc ồn ào, khó nuốt, chảy dãi, khạc nhổ, bất tỉnh... cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện để được nội soi cấp cứu kịp thời. Những phản ứng như trên có nghĩa là dị vật đã chẹn một phần thanh quản hoặc khí quản.
T.L