Do chưa có chương trình tầm soát, nên hơn 70% bệnh nhân khi phát hiện bị ung thư thì bệnh đã phát triển ở giai đoạn cuối.
Do chưa có chương trình tầm soát, nên hơn 70% bệnh nhân khi phát hiện bị ung thư thì bệnh đã phát triển ở giai đoạn cuối.
Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng
Theo Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, khoảng 80% nguyên nhân gây bệnh là do ăn uống, hít thở, tiếp xúc... của con người. Trong đó, khói thuốc lá chứa hơn 60 chất gây ung thư và tạo ra khoảng 15 loại ung thư (thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ra 1/3 gánh nặng ung thư trên toàn cầu); bệnh nhiễm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng chiếm 1/5; ăn uống không lành kèm theo thiếu vận động, béo phì chiếm 1/3; các bức xạ như: tia cực tím trong ánh nắng, rò rỉ chất phóng xạ cũng gây ra ung thư... |
Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân (BN) bị ung thư nhập viện điều trị tại Khoa Y học hạt nhân và Ung bướu (YHHN-UB), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa ngày càng tăng. Hiện nay, khoa có 11 phòng với 80 giường bệnh nhưng đều chật kín BN, thậm chí khoa phải tận dụng hành lang để kê thêm một số giường cho BN nằm điều trị.
Cơn đau chưa dứt sau đợt xạ trị, ông Nguyễn Ngọc D. (42 tuổi, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) cho biết, ông bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, điều trị tại khoa hơn 1 năm nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm vì tế bào ung thư đã di căn nhiều nơi. “Trước khi phát bệnh một tháng, tôi thấy họng đau lâm râm. Do cứ nghĩ đau họng bình thường nên tôi mua thuốc về uống. Thấy bệnh không hết, vòm họng lại đau nặng thêm nên tôi vào Viện Pasteur Nha Trang để làm xét nghiệm. Cầm kết quả trên tay, tôi mới biết mình bị mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Bác sĩ nói bệnh đã di căn nên khó điều trị, thời gian sống không còn được bao nhiêu” - ông D. buồn bã nói.
Chăm sóc cho bệnh nhân ung thư tại Khoa Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Bà Cao Thị Xinh (51 tuổi, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) bị ung thư đã 5 năm. Thời gian đầu, bà không có triệu chứng gì, lâu lâu thấy ngực hơi nhức và đau nhưng bà bỏ qua vì phải lo đi nương, rẫy. Mấy tháng sau, ngực của bà ngày càng sưng to, căng phồng, đau nhức không chịu được nên đến BV Khánh Sơn khám và được chuyển đến BVĐK tỉnh. Tại đây, bà được chẩn đoán mắc ung thu vú giai đoạn cuối. Bà Trần Thị Th. (50 tuổi, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) nhập viện điều trị trong tình trạng ngực phía bên trái bị sưng to, núm vú bị hoại tử. Bà được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn. Bà Th. đã biết mình mắc bệnh này hơn 1 năm, nhưng do nghe theo lời con và hàng xóm nên ở nhà đắp lá rừng, uống thuốc của các thầy cúng. Đến khi bệnh trở nặng, không chịu nổi sự đau nhức, bà mới nhập viện điều trị. “Phải chi tôi điều trị sớm thì đâu đến nỗi...” - bà Th. nghẹn ngào.
Hơn 70% bệnh nhân đến điều trị khi bệnh đã di căn
Khoa YHHN-UB, BVĐK tỉnh được thành lập năm 1989 và là một trong 5 đơn vị đầu tiên ở BV tuyến tỉnh có khoa điều trị về bệnh ung thư. Hiện nay, khoa đã tiến hành được các kỹ thuật: Phẫu thuật các bệnh lý u lành và ác tính về tiêu hóa như dạ dày, tá tràng, đại trực tràng, hậu môn; bệnh lý tuyến giáp, vú, u các loại. Khoa đã được trang bị máy Cobalt - 60 và đã thực hiện xạ trị cho một số bệnh lý ung thư. Ngoài ra, khoa còn ứng dụng đồng vị phóng xạ để chẩn đoán và điều trị các bệnh tuyến giáp như Basedow, ung thư tuyến giáp, ung thư di căn xương các loại như: vú, tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều trang thiết bị trong điều trị ung thư nên mỗi năm khoa phải chuyển từ 250 - 300 BN lên tuyến trên. |
Bác sĩ Quách Văn Hiển - Trưởng khoa YHHN-UB BVĐK tỉnh cho biết, do hiện nay cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng chưa có chương trình tầm soát về bệnh ung thư nên những năm gần đây, số BN bị ung thư đến điều trị tại khoa liên tục tăng. Nếu năm 2006 chỉ có 471 người, thì năm 2012 đã lên 1.390 người; còn từ đầu năm 2013 đến nay có 759 người. Trong đó, chiếm phần lớn là ung thư gan, tiêu hóa (dạ dày, trực tràng), vú, cổ tử cung, phổi... “65 đến 75% BN đến điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, thường là đã di căn và rất khó điều trị”, bác sĩ Hiển cho biết.
Trong những buổi báo cáo chuyên đề khoa học về ung thư được tổ chức tại BVĐK tỉnh mới đây, Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, ung thư là do sự tăng trưởng quá đà và sự lan tràn của các tế bào không bình thường. Ung thư bắt nguồn từ sự xáo trộn trong gen. DNA bị hư hại do phơi trải với các hóa chất, bức xạ và virut (còn gọi là carcinôgen) tạo ra các đột biến gen, dẫn đến các nhóm tế bào bất thường. Theo thời gian, các nhóm tế bào này trở thành ác tính và mạnh lên. Hàng tỉ tế bào này tích tụ lại thành bướu (u) hay khối bướu (khối u) và xâm lấn, đè ép, phá hủy các mô bình thường. Khi tách ra khỏi khối bướu nguyên phát, các tế bào ung thư theo dòng bạch huyết hoặc xuôi theo dòng máu tới những vùng khác của cơ thể. Trên đường đi, các tế bào ung thư có thể dừng lại một chỗ mới rồi nảy nở thành ổ ung thư khác, gọi là di căn. “Chính vì thế, việc phát hiện sớm, được điều trị kịp thời sẽ giúp chất lượng và thời gian sống của BN ung thư tốt và kéo dài hơn, có khi còn được điều trị khỏi”, Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng nói.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, khi gặp những dấu hiệu như: Có sự thay đổi thói quen của ruột và bọng đái, một chỗ lở loét không lành, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, chỗ dày (cục u) ở vú hoặc ở nơi nào đó, ăn không tiêu hoặc nuốt không trôi, ho dai dẳng hoặc khan tiếng thời gian dài, thay đổi tính chất của mụt ruồi..., cần đi khám và xét nghiệm ngay để phát hiện sớm ung thư. Để ngừa bệnh ung thư, người dân cần tránh xa khói thuốc, không uống rượu bia quá đà, phòng tránh bệnh nhiễm, ăn chín, uống sôi, tập thể dục đều đặn, giữ cân vừa phải.
THẢO LY