19:05, 06/12/2023

Điều trị ARV sẽ ngăn ngừa lây truyền HIV

C.ĐAN

Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã kết luận, một người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt đến mức ức chế vi rút sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình. Năm 2019, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã triển khai Chiến dịch Không phát hiện = không lây truyền (viết tắt K = K) trên toàn quốc và duy trì cho đến nay.    

Tuân thủ tốt điều trị ARV sẽ ngăn ngừa lây truyền HIV

K = K có nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt đến mức ức chế vi rút, tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện) sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục. Những bằng chứng khoa học này đã được công bố cách đây 6 năm tại các hội nghị khoa học thế giới về HIV/AIDS ở Paris và Hà Lan. Đến nay, hàng trăm tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận phát hiện này. Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cũng xác nhận khái niệm K = K.

Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại TP. Nha Trang
Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại TP. Nha Trang.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông thường, một người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV tốt, sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu. Nếu tiếp tục duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, khi đó, họ không làm lây truyền HIV cho bạn tình. Do vậy, Bộ Y tế quy định người nhiễm HIV khi điều trị ARV cần xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ. Năm đầu tiên xét nghiệm 2 lần (6 tháng/lần); những năm sau, mỗi năm xét nghiệm tải lượng vi rút 1 lần. Quy định này nhằm xác định tải lượng vi rút, vừa theo dõi hiệu quả của việc điều trị. Để đạt được tải lượng vi rút nói trên, người điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc một cách nghiêm ngặt: Dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ, đúng đường (qua đường uống, vì hiện nay ARV ở Việt Nam chỉ sử dụng loại thuốc uống) và đúng cách. Sự kiềm chế, duy trì lượng HIV trong máu thấp không chỉ phụ thuộc vào tính hiệu nghiệm của thuốc ARV, mà còn phụ thuộc vào nồng độ thuốc đó ở máu bệnh nhân trong một khoảng thời gian thích hợp. Khoảng thời gian này phụ thuộc vào thời gian bán hủy của từng loại thuốc. Do vậy, uống thuốc đúng giờ là rất cần thiết, trực tiếp làm tăng hiệu quả của thuốc. Nếu bệnh nhân không tuân thủ đúng cách sẽ dẫn đến kháng thuốc, thất bại trong điều trị và sớm tử vong.

Đẩy mạnh truyền thông K = K

Tại tỉnh Khánh Hòa, trong 5 năm qua, bên cạnh các nội dung truyền thông khác, truyền thông K = K cho đối tượng nguy cơ cao và bệnh nhân HIV được đẩy mạnh.  

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn sau khi được các đồng đẳng viên và nhân viên y tế tư vấn điều trị, chia sẻ, động viên và tuyên truyền nội dung thông điệp K = K thì số lượng người tham gia điều trị ARV và tuân thủ điều trị tăng lên. Sau khi điều trị, sức khỏe ổn định, họ đã tự tin hòa nhập cộng đồng, sống và làm việc như những người bình thường. Anh Nguyễn Hữu C. (TP. Nha Trang) nhiễm HIV 2 năm trước. Sau khi tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ, tải lượng vi rút của anh C. duy trì dưới ngưỡng phát hiện. Nhờ đó, hơn 1 năm qua, sức khỏe của anh được cải thiện rất nhiều, bạn tình của anh qua các đợt xét nghiệm HIV đều âm tính. 

Triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, hàng năm, toàn tỉnh có gần 40.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Hiện nay, tổng số người nhiễm HIV còn sống và được quản lý tại các địa phương hơn 1.500 người; tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,23% dân số. Riêng 10 tháng năm 2023, các cơ sở y tế ở tỉnh đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho hơn 35.200 lượt người; gần 1.200 bệnh nhân đang duy trì phác đồ điều trị ARV bậc 1 sau 12 tháng. Bên cạnh đó, số người điều trị PrEP (điều trị dự phòng HIV) ít nhất 1 lần trong năm là 470 người.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để phòng, chống lây truyền HIV, những nhóm có nguy cơ cao hãy tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng. Nếu không may nhiễm HIV, hãy tuân thủ điều trị tốt để đạt được ngưỡng K = K.

C.ĐAN