Những ngày gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa liên tục tiếp nhận điều trị các trường hợp bị rắn cắn, trong đó có một số ca biến chứng nặng, bị rối loạn đông máu.
Nhiều trường hợp bị rắn cắn
Theo số liệu từ Khoa Nội tổng hợp thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 11 đến nay, khoa tiếp nhận 32 ca nhập viện vì bị rắn cắn. Hầu hết các trường hợp bị rắn cắn ở tay, chân trong lúc đi làm rẫy, phát nương hoặc khu vực sinh sống, làm việc có nhiều cây cối rậm rạp, um tùm…
Sức khỏe của bệnh nhân Tiên sau 4 ngày điều trị đã ổn định, bàn tay đã bớt sưng. |
Sau 4 ngày được y, bác sĩ Khoa Nội tổng hợp thần kinh điều trị tích cực và truyền huyết thanh kháng nọc rắn, sức khỏe của bệnh nhân Nguyễn Văn Tiên (50 tuổi, trú xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) ổn định, bàn tay phải bị rắn cắn đã hết sưng. Theo bệnh nhân Tiên, ngày 20-11, ông lên rẫy phát cỏ dại thì bị một con rắn dài khoảng 30cm, màu xanh, đuôi đỏ cắn. Ông đã tự sơ cứu bằng một số loại lá và về nhà. Tuy nhiên, sau 30 phút thấy mu tay phải sưng nề lan lên cánh tay nên gia đình đưa ông vào bệnh viện. Nằm ở phòng đợi bệnh, bệnh nhân Lê Minh Thịnh (29 tuổi, trú phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) cho biết, ông nhập viện vì rắn cắn trong lúc đi rẫy. Bàn chân phải chỗ rắn cắn bị sưng nề, tím tái và đau nhức. Trước đó, ông đã bị rắn cắn vài lần và đều nhập viện ngay, vì không biết loại rắn nào độc, loại nào không, để lâu sợ nguy hiểm tới tính mạng.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương Thảo - Trưởng khoa Nội tổng hợp thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Từ đầu tháng 11 đến nay, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 1 đến 2 ca bị rắn cắn, có ngày tiếp nhận đến 5 ca. Bệnh nhân hầu hết là nam giới, độ tuổi dao động từ 20 đến 50 tuổi. Có trường hợp nhập viện trong tình trạng nhẹ, chỗ vết cắn sưng ít, ngứa, tê; có trường hợp sưng nề, hoại tử chỗ rắn cắn… Tùy từng trường hợp, khoa có phác đồ điều trị phù hợp. Cho tới nay, tất cả bệnh nhân bị rắn cắn vào khoa đều được điều trị ổn định và xuất viện”.
Cần nhập viện ngay
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hương Thảo, khi bị rắn cắn, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, bởi một số loài rắn độc (như rắn lục) sẽ gây ra tình trạng rối loạn đông máu; đối với một số loài như rắn hổ mang, nọc độc của rắn ảnh hưởng tới hệ hô hấp, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy hô hấp và tử vong. Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, người dân nên thực hiện sơ cứu theo các bước: Di chuyển nạn nhân ra xa con rắn; trấn an nạn nhân và điều chỉnh tư thế sao cho chỗ bị rắn cắn thấp hơn tim. Đồng thời, tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương sưng thêm; có thể làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý; không buộc garo khi tự sơ cứu vì sẽ gây đau cho bệnh nhân và cản trở sự lưu thông tuần hoàn của máu… Đặc biệt, người dân không nên dùng kinh nghiệm dân gian như nặn máu, đắp lá chỗ rắn cắn để sơ cứu, bởi nếu sơ cứu không đúng cách, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc vết thương hoại tử, lan rộng, khi đến cơ sở y tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng nạn nhân.
Bác sĩ Khoa Nội tổng hợp thần kinh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị rắn cắn. |
Thời gian gần đây, do mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho rắn phát triển, đặc biệt là các loài rắn độc. Mưa, lụt kéo dài phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng tìm nơi khác để trú ẩn và kiếm ăn, như: vườn rậm, tán cây, thậm chí là trong nhà… Đây cũng là nguyên nhân vào mùa mưa, số nạn nhân bị rắn cắn nhập viện cấp cứu gia tăng hơn, với những mức độ nguy hiểm khác nhau. Để phòng ngừa rắn cắn, người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, cỏ dại; kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà, nhất là thời điểm sau các cơn mưa. Nếu đi ra vườn, lên rừng, rẫy nên đi ủng, giày cao cổ, đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài. Không để trẻ chơi gần nơi rắn thích cư trú, như: Đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình…
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin