21:26, 09/08/2023

Trẻ có nguy cơ cao rối loạn tâm vận động: Cần được can thiệp sớm 

V.L

Trẻ bị rối loạn tâm vận động để lại di chứng nặng nề, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nếu được can thiệp sớm trong 2 năm đầu đời thì sẽ giúp trẻ giảm di chứng và có thể hòa nhập cộng đồng. Đề tài "Đánh giá quá trình can thiệp sớm trong 2 năm đầu đời cho trẻ nguy cơ cao rối loạn tâm vận động tại tỉnh Khánh Hòa", do bác sĩ chuyên khoa II Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ trì, vừa được nghiệm thu đạt sẽ góp phần quan trọng trong việc chăm sóc trẻ em thuộc trường hợp nêu trên.

Theo bác sĩ Phan Hữu Chính, với sự phát triển của y học, công tác chăm sóc cho trẻ sơ sinh ở các cơ sở y tế ngày càng tiến bộ, cứu sống nhiều bệnh nhi sinh non, có bệnh lý nặng. Tuy nhiên, các trẻ này có nguy cơ cao về rối loạn tâm vận động. Các nghiên cứu chỉ ra, hiệu quả của việc chẩn đoán và can thiệp sớm những rối loạn tâm vận động trong 2 năm đầu đời sẽ giúp trẻ giảm di chứng và có thể hòa nhập cộng đồng

Từ tháng 7-2014, với sự hợp tác của Tổ chức L’ APPEL- LORIENT và Bệnh viện Nam BRETAGNE (Cộng hòa Pháp), Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bắt đầu theo dõi và can thiệp trẻ sơ sinh có nguy cơ cao về rối loạn tâm vận động. Trên cơ sở đó, bệnh viện đã đề xuất nghiên cứu đề tài "Đánh giá quá trình can thiệp sớm trong 2 năm đầu đời cho trẻ nguy cơ cao rối loạn tâm vận động tại tỉnh Khánh Hòa". 

Hợp tác với chuyên gia L’ APPEL.

Đề tài nghiên cứu trẻ sơ sinh có nguy cơ cao rối loạn tâm vận động tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhóm thực hiện chọn 120 trẻ sơ sinh theo các tiêu chí, như: Sinh non dưới 33 tuần, cân nặng dưới 1.500g, sinh ngạt, vàng da nặng, viêm màng não vi trùng, co giật, đa dị tật… tiến hành thu thập số liệu, xây dựng bệnh án mẫu; khám, đánh giá lâm sàng, cận lâm sàng, từ đó chẩn đoán được trẻ có các vấn đề rối loạn tâm vận động để can thiệp, điều trị ngay từ rất sớm. Sau 3 năm triển khai (từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2023), nhóm nghiên cứu đã phát hiện và chẩn đoán về các rối loạn tâm vận động của trẻ. Kết quả test đầu vào, tỷ lệ trẻ chậm phát triển về cá nhân và xã hội 52,4%; vận động tinh tế, thích ứng 46%; ngôn ngữ 61,2%; vận động thô 83,9%... Sau theo dõi và can thiệp đến 24 tháng, trẻ phát triển bình thường đạt 67,7%; nghi ngờ 12,1%; chậm phát triển 20,2%. Các yếu tố tăng nguy cơ chậm và nghi ngờ chậm phát triển tâm vận động là nhẹ cân so với tuổi thai; hồi sức phòng sinh có bóp bóng, đặt nội khí quản, ép tim; bất thường não qua chẩn đoán hình ảnh. Đề tài cũng thực hiện đào tạo nhân viên y tế tại 7 bệnh viện tuyến huyện; xây dựng quy trình, mạng lưới sàng lọc, theo dõi, can thiệp trẻ rối loạn tâm vận động.

Nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất: Cần nâng cao công tác chăm sóc tiền sản và hồi sức phòng sinh, kiểm soát hạn chế nhiễm trùng và điều trị, theo dõi tích cực trẻ sinh non, có bệnh lý nặng để giảm thiểu biến chứng. Qua đó, giảm số lượng trẻ có nguy cơ cao rối loạn tâm vận động; ứng dụng quy trình sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi, đánh giá can thiệp cho trẻ rối loạn tâm vận động để phát hiện và can thiệp sớm tại các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhân lực, cơ sở vật chất các phòng can thiệp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để phục hồi cho trẻ có rối loạn tâm vận động. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới can thiệp từ kết quả đề tài, trong đó cần thiết xây dựng một trung tâm tại tỉnh để can thiệp sớm...

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ NGÔ MINH XUÂN - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài: Đây là đề tài mang tính nhân văn sâu sắc. Ngay cả TP. Hồ Chí Minh, việc can thiệp về rối loạn tâm vận động trẻ sơ sinh còn khó, chỉ mới thực hiện ở một vài đơn vị. Trong khi đó, Khánh Hòa làm được, mang tính hệ thống là điều đáng ghi nhận. Đây là đề tài có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, cần tiếp tục phát triển theo đề xuất của nhóm nghiên cứu để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

V.L