Thời gian qua, các hộ kinh doanh tại chợ Khánh Vĩnh (thị trấn Khánh Vĩnh) đã thực hiện di dời sang chợ tạm để bàn giao mặt bằng xây dựng chợ mới. Tuy nhiên, có một lò mổ đến nay vẫn chưa di dời, bởi chủ lò mổ cho rằng, cơ sở này được xây dựng trên phần đất do mình khai hoang…
Thời gian qua, các hộ kinh doanh tại chợ Khánh Vĩnh (thị trấn Khánh Vĩnh) đã thực hiện di dời sang chợ tạm để bàn giao mặt bằng xây dựng chợ mới. Tuy nhiên, có một lò mổ đến nay vẫn chưa di dời, bởi chủ lò mổ cho rằng, cơ sở này được xây dựng trên phần đất do mình khai hoang…
Vị trí lò mổ thuộc đất chợ Khánh Vĩnh
Vừa qua, bà Phan Thị Lâm (trú 77/13 đường 2-8, thuộc tổ 2 thị trấn Khánh Vĩnh) có đơn gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí phản ánh việc UBND thị trấn và UBND huyện thực hiện chủ trương xây dựng chợ Khánh Vĩnh mới, nhưng trong quá trình giải phóng mặt bằng đã thu hồi phần diện tích đất được gia đình bà khai hoang và xây dựng lò mổ tiếp giáp phía sau chợ mấy chục năm qua, mà không bồi thường, hỗ trợ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà. Trong đơn, bà Lâm còn cho rằng, việc xây dựng chợ mới sát với mặt tiền các hộ dân hẻm 77 đường 2-8 là không hợp lý, khiến các hộ không còn lối đi, trong khi con hẻm này là đường đi chính của các hộ trong nhiều năm qua.
Tiếp xúc với phóng viên, bà Phan Thị Lâm cho biết: Lò mổ của gia đình bà tiếp giáp phía sau chợ Khánh Vĩnh được xây dựng trên diện tích đất 150m2, do gia đình bà khai hoang vào năm 1990 và hoạt động liên tục cho đến khi UBND huyện thực hiện chủ trương xây dựng chợ mới. Vậy nhưng, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, các cơ quan có thẩm quyền không bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà đối với diện tích đất và lò mổ nên đến nay, bà vẫn chưa thực hiện di dời theo yêu cầu của UBND thị trấn Khánh Vĩnh.
Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi được biết, lò mổ của gia đình bà Lâm thuộc đất chợ Khánh Vĩnh, do UBND thị trấn Khánh Vĩnh quản lý. Trong khi đó, qua nhiều lần làm việc với UBND thị trấn, bà Lâm không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh đó là phần đất do mình khai hoang năm 1990.
Sẽ thực hiện cưỡng chế tháo dỡ
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Vĩnh cho biết, đến nay, ngoại trừ trường hợp lò mổ của gia đình bà Phan Thị Lâm, các hộ tiểu thương khác đã di dời sang chợ tạm để giải phóng mặt bằng xây dựng chợ mới. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị của bà Lâm về các nội dung liên quan trong thời gian qua, UBND thị trấn đều chú trọng giải thích, vận động và đề nghị bà Lâm chủ động tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng, nhưng bà Lâm vẫn không chấp hành. Ngày 9-2-2023, UBND thị trấn tiếp tục mời bà Lâm lên làm việc. Bà Lâm đồng ý sẽ di dời lò mổ, nhưng đề nghị UBND thị trấn ưu tiên cho bà thuê 2 ki ốt tại chợ mới sau khi chợ xây dựng xong để gia đình bà chuyển đổi kinh doanh. “Chúng tôi đã báo cáo, xin ý kiến của UBND huyện về việc xem xét nguyện vọng này của bà Lâm. Tuy nhiên, theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, việc cho các hộ kinh doanh thuê ki ốt ở chợ sẽ được tổ chức bằng hình thức đấu thầu theo quy định; đồng thời yêu cầu bà Lâm phải tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng trước ngày 15-3. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã bố trí cho bà Lâm một khu đất gần đó để có nơi để tạm các vật liệu, vật dụng khi tháo dỡ lò mổ; đồng thời hỗ trợ nhân công tháo dỡ. Thế nhưng, đến nay, bà Lâm vẫn chưa chấp hành. Vì vậy, nếu sau ngày 15-3, bà Lâm không thực hiện tháo dỡ công trình, UBND thị trấn sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định”, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết.
Riêng nội dung kiến nghị của bà Lâm và các hộ dân ở hẻm 77 đường 2-8 về việc để con đường vành đai phía tây bắc chợ Khánh Vĩnh (tiếp giáp phía mặt tiền các hộ dân hẻm 77), xét thấy phù hợp trong vấn đề bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, thuận tiện trong hoạt động mua bán tại chợ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân hẻm 77 đi lại nên UBND huyện thống nhất sẽ điều chỉnh thiết kế. Theo đó, sẽ mở rộng đường vành đai phía tây bắc chợ lên 5m, thay vì 3m như thiết kế ban đầu.
THẾ ANH