Gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Qua kết quả thanh tra, có thể thấy công tác quản lý đất trồng lúa ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.
Gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Qua kết quả thanh tra, có thể thấy công tác quản lý đất trồng lúa ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.
Qua thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý đất trồng lúa giai đoạn 2018 - 2020 tại 5 địa phương: Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh có thể thấy, UBND các huyện, thị xã, thành phố có sự quan tâm chỉ đạo thiết thực, sâu sát đối với việc quản lý, sử dụng đất lúa trên địa bàn. Việc thực hiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất lúa cho người dân của các cơ quan có thẩm quyền đều có căn cứ pháp luật. Qua đó, giải quyết nhu cầu cấp thiết về sử dụng đất của người dân, tăng nguồn thu cho Nhà nước đồng thời phù hợp với yêu cầu mở rộng, đô thị hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng đất lúa trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Thứ nhất là quy trình giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực sự thống nhất giữa các địa phương hoặc giữa các xã, phường, thị trấn trong một đơn vị hành chính cấp huyện. Chẳng hạn tại thị xã Ninh Hòa, việc này do Phòng TN-MT chủ trì, phối hợp phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế, UBND xã, phường làm việc với người sử dụng đất. Trong khi đó, tại TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm thì Phòng TN-MT lại chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã phường. Còn tại Diên Khánh thì việc này lại do xã, thị trấn tiến hành kiểm tra hiện trạng, lập biên bản kiểm tra chuyển phòng TN-MT thẩm tra. Trên địa bàn huyện còn có sự không thống nhất trong nội dung biên bản kiểm tra hiện trạng giữa các xã, thị trấn.
Thứ hai, việc thẩm tra quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng tại một số địa phương (Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm) lại có sự chồng chéo, không phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và quy hoạch chi tiết xây dựng đối với những địa phương có thay đổi, cập nhật quy hoạch chi tiết xây dựng, dẫn đến người dân không thể xin giấy phép xây dựng sau khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Thứ ba, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối với người dân nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất lại gặp khó khăn do không thể xác định nhu cầu chuyển mục đích với diện tích bao nhiêu là phù hợp. Bởi vì, ngoài nhu cầu chuyển mục đích để xây dựng nhà ở còn có trường hợp để tặng cho con cái hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phân lô bán nền... Quá trình thẩm định nhu cầu sử dụng đất của người xin chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn hơn hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất có gặp vướng mắc khi áp dụng quy định tại Điều 69 Nghị định số 43/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, nội dung được hướng dẫn vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng do chưa có các quy định cụ thể nên việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của người xin chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn vẫn chưa được chặt chẽ, chưa hạn chế được tình trạng chuyển mục đích với diện tích lớn hơn hạn mức.
Thứ tư, việc giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đối với thửa đất đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa nghiêm. Cụ thể là người vi phạm không bị buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu mà lại được hợp thức hóa hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đổ đất, san nền, xây dựng một số công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Tại cuộc họp nghe Sở TN-MT báo cáo kết luận thanh tra trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đã cơ bản thống nhất các nội dung thanh tra đồng thời yêu cầu các địa phương khắc phục những bất cập được nêu trong kết luận thanh tra; giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát trình tự, thủ tục giải quyết việc chuyển mục đích đất lúa sang mục đích khác, trên cơ sở đó thống nhất các địa phương để giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật; hoàn thiện các nội dung, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ TN-MT, trong đó có các nội dung kiến nghị hướng dẫn thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Hoàng Hằng