Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nguồn phóng xạ và các biện pháp ứng phó cho cộng đồng, nhất là các cơ sở thu mua phế liệu tại Cam Lâm và Cam Ranh. Sắp đến, trung tâm đề xuất tiếp tục triển khai công tác trên tại Ninh Hòa và Vạn Ninh.
Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Sở KH-CN triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nguồn phóng xạ và các biện pháp ứng phó cho cộng đồng, nhất là các cơ sở thu mua phế liệu tại Cam Lâm và Cam Ranh. Sắp đến, trung tâm đề xuất tiếp tục triển khai công tác trên tại Ninh Hòa và Vạn Ninh.
Nâng cao kiến thức
Ông Nguyễn Văn Bắc - chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại thôn Đồng Cau (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cho biết, ông có hiểu biết về phóng xạ nhờ kiến thức từ thời gian trong quân ngũ. Bên cạnh đó, ông được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tuyên truyền kiến thức liên quan đến an toàn bức xạ. Trong quá trình thu mua phế liệu, đến nay, cơ sở chưa phát hiện phế liệu có nghi ngờ chứa chất phóng xạ. Tương tự, ông Võ Thành Thiết - chủ cơ sở phế liệu tại tổ dân phố Phú Thạnh (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) cũng nắm được kiến thức về an toàn bức xạ như dấu hiệu nhận biết, ảnh hưởng của phóng xạ đối với sức khỏe con người. Ông Thiết cho biết, nếu gặp phế liệu có biểu tượng chứa phóng xạ sẽ lập tức báo cho các đơn vị liên quan để xử lý qua số điện thoại dán trên tường do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN cung cấp.
Theo Thạc sĩ Lê Xuân Hải - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, qua khảo sát các hộ kinh doanh phế liệu về an toàn bức xạ, vẫn còn nhiều hộ chưa nắm bắt thông tin về vật chứa nguồn phóng xạ bị mất cắp; thiếu kiến thức và kỹ năng nhận biết nguồn bức xạ; chưa nhận thức rõ sự nguy hiểm của các nguồn phóng xạ bị mất cắp đối với cộng đồng... Do đó, để ngăn chặn tác hại của nguồn phóng xạ ra cộng đồng (nếu có), công tác tuyên truyền, phổ biến các dấu hiệu nhận biết nguồn phóng xạ và các biện pháp ứng phó tại các cơ sở thu mua phế liệu là điều cần thiết và thực hiện thường xuyên.
Số hóa thông tin
Nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn bức xạ, trung tâm kết hợp thu thập thông tin liên quan đến các cơ sở thu mua phế liệu và đưa lên bản đồ số (công cụ Google Earth pro). Thông qua bản đồ số giúp cho cơ quan quản lý nhận diện nhanh về quy mô, địa chỉ từng cơ sở phế liệu bằng biểu tượng và màu sắc thể hiện trên bản đồ. Đồng thời, trung tâm phối hợp với các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền về lĩnh vực an toàn bức xạ.
Thạc sĩ Hải cho biết, thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn bức xạ, các chủ cơ sở thu mua phế liệu trên 2 địa phương nói trên đã nắm bắt cơ bản cách nhận biết dấu hiệu cảnh báo cũng như cách xử lý ban đầu. Năm 2022, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đề xuất tiếp tục triển khai nhiệm vụ tuyên truyền tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức về an toàn bức xạ cho các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh.
- Năm 2021, tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm, nhóm khảo sát đã phát 400 tờ rơi (200 tờ phổ biến kiến thức, 200 tờ mô tả và nhận diện vật chứa nguồn phóng xạ), 50 áp phích tuyên truyền về kiến thức an toàn bức xạ; phỏng vấn 37 hộ dân về mối nguy của các nguồn phóng xạ. Đơn vị còn tiến hành đo nền phông phóng xạ môi trường tại 37 cơ sở phế liệu. Kết quả cho thấy đều thấp hơn mức quy chuẩn. - Từ năm 2017 đến 2021, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã triển khai thu thập thông tin của các cơ sở thu mua phế liệu, kết hợp điều tra đánh giá nhận thức, kiến thức an toàn bức xạ tại các địa phương; mỗi địa phương được tuyên truyền lặp lại ít nhất 2 lần. |
V.L