Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư 17/2021 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Thông tư 47/2017 quy định về giám sát, sử dụng tài nguyên nước. Ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Khoáng sản, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết...
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa ban hành Thông tư 17/2021 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Thông tư 47/2017 quy định về giám sát, sử dụng tài nguyên nước. Ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Khoáng sản, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN-MT cho biết:
- So với Thông tư 47, Thông tư 17 có 5 điểm mới giải quyết những vấn đề bất cập mà trước đó chưa giải quyết được. Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc các trường hợp sau phải có giấy phép: Công trình hồ chứa khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50kW; công trình hồ chứa khai thác nước mặt có quy mô trên 0,1m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trên 100m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác; cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác có quy mô trên 0,1m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trên 100m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác; công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10m3/ngày đêm.
Thứ hai, về thành phần của hệ thống giám sát gồm: hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ; phần mềm quản lý giấy phép; giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở Trung ương, địa phương. Thứ ba, quy định việc chia sẻ, khai thác dữ liệu giám sát tài nguyên nước phù hợp với các quy định về chia sẻ dữ liệu số hiện nay thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Thứ tư, quy định cụ thể thông số, hình thức, tần suất giám sát phù hợp theo từng quy mô khai thác của công trình (phân chia các mức quy mô khai thác: 10-200m3/ngày đêm, 200-1.000m3/ngày đêm, 1.000 -3.000m3/ngày đêm và trên 3.000m3/ngày đêm), giảm tần suất giám sát định kỳ xuống 1 lần/ngày (trước đây quy định 2 lần/ngày), tăng quy mô phải giám sát tự động, trực tuyến thông số lưu lượng, mực nước lên 1.000m3/ngày đêm (trước đây quy định từ 200m3/ngày đêm trở lên). Thứ năm, quy định lùi thời hạn hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát (đối với cơ quan nhà nước) đến trước ngày 30-9-2023; thời hạn hoàn thành việc lắp đặt thiết bị (đối với cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã vận hành) đến trước ngày 31-12-2023. Đồng thời, bổ sung quy định để giải quyết tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện lắp đặt thiết bị, quan trắc tự động đối với công trình hồ chứa phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác theo hướng gia hạn thời gian hoàn thành đến ngày 31-12-2025.
- Xin ông cho biết tình hình chấp hành pháp luật tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước (năm 2012), nhìn chung công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cộng đồng, doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, ít xảy ra hiện tượng xả thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng, an ninh nguồn nước. Vì thế, chất lượng nguồn nước phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng trên địa bàn vẫn đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, nhất là nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Tuy vậy, qua kiểm tra vẫn phát hiện một số tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải không phép vào nguồn nước, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhất là nước dưới đất tại một số vùng ven biển.
Sau khi Thông tư 47 được ban hành, Sở TN-MT đã hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động tài nguyên nước triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn, vướng mắc (thủ tục, kinh phí…) nên đến nay chỉ có một số ít cơ sở tổ chức giám sát tài nguyên nước, phần còn lại đang trong quá trình nghiên cứu triển khai. Từ ngày 30-11, Thông tư 17 đã có hiệu lực thi hành, quy định chi tiết nhiều nội dung thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước. Thời gian đến, Sở TN-MT sẽ sớm tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước của địa phương. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước triển khai thực hiện giám sát tài nguyên nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
Vĩnh Lạc (Thực hiện)