Phát triển huyện Cam Lâm trở thành "vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế", có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phù hợp, đảm bảo sinh kế cho người dân… là những nội dung được lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm chỉ đạo trong cuộc họp thẩm định đồ án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Cam Lâm.
Phát triển huyện Cam Lâm trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế”, có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phù hợp, đảm bảo sinh kế cho người dân… là những nội dung được lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm chỉ đạo trong cuộc họp thẩm định đồ án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Cam Lâm.
Sẽ là vùng “đô thị sân bay” và du lịch sinh thái
Tại cuộc họp thẩm định đồ án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Cam Lâm mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Cam Lâm và đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, xây dựng quy hoạch đảm bảo phục vụ mục tiêu phát triển của huyện theo định hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế” trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa huyện Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực vịnh Cam Ranh, kết nối TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang.
|
Cam Lâm định hướng quy hoạch thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài và khu vực phía đông đầm Thủy Triều trở thành đô thị du lịch. Trong đó, đô thị Cam Đức đảm nhận chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thành phát triển không gian và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh vào năm 2030.
Đồng thời, huyện định hướng sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; xây dựng chợ đầu mối Cam Hải Tây thành trung tâm mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân - Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây. Đến năm 2030, trên địa bàn huyện dự kiến hình thành các khu du lịch (KDL) sinh thái như: KDL sinh thái Hòn Bà (xã Suối Cát); KDL sinh thái trên hồ Suối Dầu (xã Suối Tân), KDL sinh thái trên hồ Cam Ranh (xã Cam Tân)...
Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, hiện nay, các tập đoàn lớn và công ty thành viên đề xuất quy hoạch và đầu tư các dự án về: Đô thị sân bay, khu đô thị sinh thái, tổ hợp dịch vụ, du lịch thương mại vui chơi giải trí tại huyện Cam Lâm. Các dự án này chỉ mới xác định ranh giới, phạm vi dự án mang tính định hướng, chưa được phê duyệt quy hoạch xây dựng và phân khu chức năng cụ thể để lồng ghép vào phương án quy hoạch. Do đó, UBND huyện đề xuất giữ nguyên các dự án dự kiến quy hoạch theo phương án huyện đang tổng hợp. Các dự án của những tập đoàn lớn và công ty thành viên đề xuất sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh; sau khi quy hoạch tỉnh được duyệt thì quy hoạch sử dụng đất của huyện sẽ cập nhật điều chỉnh theo quy hoạch tỉnh cho phù hợp.
Chú trọng bảo đảm sinh kế cho người dân
Theo ý kiến góp ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo quy hoạch sử dụng đất của huyện Cam Lâm giảm hơn 2.659ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 342ha đất chuyên trồng lúa nước là con số không nhỏ. Để đảm bảo quỹ đất lúa, sinh kế của nông dân, an ninh lương thực trên địa bàn huyện, ngoài những diện tích bắt buộc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần hạn chế chuyển đổi những diện tích chuyên trồng lúa.
Theo giải đáp của UBND huyện Cam Lâm, trong kỳ quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa nước dự kiến giảm nhiều để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, giao thông, thương mại, dịch vụ… phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện (nhiều nhất là ở xã Cam Hòa để thực hiện dự án Khu đô thị Vinh Bình - Cù Hin khoảng 130ha). Đồng thời, các xã có đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ một số vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp sang làm trang trại rau sạch, trang trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm (trồng xoài)... Tuy nhiên, phương án quy hoạch sử dụng đất của huyện vẫn giữ quỹ đất cho mục đích trồng lúa, đảm bảo sinh kế của nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực (vùng chuyên canh lúa tập trung tại các xã: Cam Phước Tây, Cam Hòa, Cam Tân, Cam Thành Bắc, Suối Cát, Suối Tân). Trong kỳ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện Cam Lâm sẽ hình thành các khu dân cư mới, phát triển các khu dân cư trung tâm cụm xã...
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Cam Lâm và đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến góp ý của các sở, ngành để hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành và các dự án khác trên địa bàn để sắp xếp, bố trí quỹ đất và định hướng quy hoạch phù hợp, đồng bộ với định hướng phát triển chung của tỉnh. Huyện cần đánh giá những kết quả, hạn chế trong công tác quy hoạch đất Cam Lâm giai đoạn 2011 - 2020 để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó xây dựng quy hoạch giai đoạn tới phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tránh trường hợp quy hoạch đề ra nhiều mục tiêu nhưng kết quả thực hiện thấp; có phương án, định hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phù hợp, nhất là quy hoạch hiệu quả diện tích đất ở, đất đô thị, đất dịch vụ, thương mại… để cân đối với tính chất, quy mô của “đô thị sân bay”; không để hình thành các khu dân cư ở khu vực đồi núi, có nguy cơ sạt lở; các khu vực tái định cư do bị ảnh hưởng bởi các dự án phải bảo đảm sinh kế, ổn định cuộc sống người dân…
THÁI THỊNH