11:07, 13/07/2021

Khai thác đá trái phép tại hồ Đá Bàn

Thời gian qua, một số người dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bức xúc khi khu vực đặt bia di tích Căn cứ cách mạng Đá Bàn (trên 1 hòn đảo trong lòng hồ thủy lợi Đá Bàn) bị xâm hại, khai thác khoáng sản trái phép. 
 

Thời gian qua, một số người dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bức xúc khi khu vực đặt bia di tích Căn cứ cách mạng Đá Bàn (trên 1 hòn đảo trong lòng hồ thủy lợi Đá Bàn) bị xâm hại, khai thác khoáng sản trái phép. 
 
Khai thác đá gần bia di tích
 
Một người dân giấu tên ở xã Ninh Sơn cho biết: Tại khu vực này, ông Nguyễn Văn Vượng (ở tỉnh Phú Yên) đến trồng cây, làm trại chăn nuôi khoảng 20 năm nay. Gần đây ông Đinh Tấn Bửu (ở thôn 3, xã Ninh Sơn) tiếp quản, thuê người đến khai thác đá chẻ trái phép. Người dân địa phương lo ngại di tích lịch sử bị xâm hại nên đã phản ánh chính quyền địa phương.
 
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, sau khoảng 30 phút đi ghe từ chân đập hồ thủy lợi Đá Bàn, chúng tôi đến khu vực đặt bia di tích. Tại đây, ngay cạnh bia di tích Căn cứ cách mạng Đá Bàn, 2 khối đá lớn đã bị đục, hàng nghìn viên đá chẻ thành phẩm chất từng đống. 2 người đàn ông đang ở căn trại tạm trên đảo cho biết, đá chẻ của ông Bửu thuê người khai thác để xây kè chắn sóng, chống sạt lở hòn đảo này. Ông Bửu hiện sử dụng khu đất này. 

 

1
Khu vực khai thác đá chẻ trái phép sát bia di tích.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 2-6, UBND thị xã Ninh Hòa kiểm tra việc lấn chiếm, khai thác khoáng sản trái phép khu vực đặt bia di tích lịch sử Căn cứ cách mạng Đá Bàn trong khu vực lòng hồ Đá Bàn. Qua kiểm tra, đoàn xác định, khu vực này thuộc lô số 9, khoảnh 3, tiểu khu 46, thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa; không nằm trong khu vực bảo vệ di tích Căn cứ kháng chiến Đá Bàn theo Quyết định số 282 ngày 3-2-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tại đây, có tình trạng khai thác đá chẻ với số lượng lớn, khoảng 2.000 viên, một số cây rừng đã bị chặt hạ, để lại hiện trường nham nhở, ảnh hưởng mỹ quan khu vực đặt bia di tích. Mặt khác, có một số lượng lớn gỗ thành phẩm, nhiều bộ cửa đã hoàn chỉnh được tập kết tại khu vực này, có dấu hiệu chuẩn bị xây dựng trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, không có mặt đối tượng vi phạm tại hiện trường.

 
Bảo vệ, tôn tạo khu vực này
 
Ông Đào Trung Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết: “Do khu vực đặt bia di tích nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích nên không có cơ sở để xử lý hành vi xâm hại di tích theo quy định. Ngày 22-6, UBND xã Ninh Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đinh Tấn Bửu về hành vi khai thác khoáng sản trái phép với số tiền 5 triệu đồng; ông này đã chấp hành. Địa phương cũng đình chỉ toàn bộ các hoạt động tại khu vực đảo đặt bia di tích”. Cũng theo ông Hải, khu vực này do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa quản lý nhưng người dân đến dựng trại sinh sống, trồng một số loại cây, hoa màu và nuôi trâu, bò từ năm 2002 mà đơn vị chủ rừng không có biện pháp nhắc nhở để quản lý tốt phần đất rừng được giao. Trong khi đó, khu vực này nằm ở phía tây bắc lòng hồ Đá Bàn (do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa quản lý), muốn vào chủ yếu đi qua đường bộ vào lòng hồ, sau đó đi ghe vào, nhưng đơn vị chủ quản hồ cũng không phát hiện, xử lý trong thời gian dài. 
 
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Tuy không nằm trong khu vực bảo vệ di tích nhưng khu vực đảo đang đặt bia di tích Căn cứ cách mạng Đá Bàn có ý nghĩa lớn về cảnh quan của cả quần thể di tích; đồng thời khu vực này có thể kết hợp để phát triển du lịch theo định hướng của địa phương trong thời gian tới. Do đó, UBND thị xã Ninh Hòa kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với địa phương để có biện pháp bảo vệ, tôn tạo khu vực này”. Trước mắt, UBND thị xã Ninh Hòa chỉ đạo UBND xã Ninh Sơn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến lấn chiếm đất rừng, khai thác khoáng sản tại khu vực hồ thủy lợi Đá Bàn. Địa phương còn kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng đối với khu vực này; Sở Văn hóa và Thể thao có kế hoạch khảo sát, hỗ trợ kinh phí để thực hiện trùng tu, sửa chữa bia di tích lịch sử Căn cứ địa cách mạng Đá Bàn. 
 
BÍCH LA - CÔNG ĐỊNH