Sau khi Báo Khánh Hòa ngày 4-11-2020 có bài viết "Ồ ạt khoét núi, san đồi ở Phước Đồng", UBND TP. Nha Trang đã ban hành các quyết định thu hồi những khu đất núi bị san ủi phân lô, giao UBND xã Phước Đồng quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, các khu đất này vẫn chưa được khôi phục hiện trạng ban đầu, rất dễ bị sạt lở khi mùa mưa sắp đến.
Sau khi Báo Khánh Hòa ngày 4-11-2020 có bài viết “Ồ ạt khoét núi, san đồi ở Phước Đồng”, UBND TP. Nha Trang đã ban hành các quyết định thu hồi những khu đất núi bị san ủi phân lô, giao UBND xã Phước Đồng quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, các khu đất này vẫn chưa được khôi phục hiện trạng ban đầu, rất dễ bị sạt lở khi mùa mưa sắp đến.
Thu hồi nhưng chưa khôi phục hiện trạng ban đầu
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều khu đất vi phạm Luật Đất đai đã bị UBND TP. Nha Trang ban hành quyết định thu hồi và bàn giao cho UBND xã quản lý. Tuy nhiên, trong quyết định bàn giao cho xã, UBND TP. Nha Trang không giao nhiệm vụ khôi phục hiện trạng ban đầu. Do các khu đất này đều có diện tích rất lớn, từ vài nghìn mét vuông đến vài héc-ta; hiện trạng đã bị chặt cây, san ủi tạo mặt bằng nên mùa mưa sắp tới rất dễ gây sạt lở, nguy hiểm cho khu dân cư phía dưới.
Đơn cử như khu đất rừng sản xuất nằm trên núi ở thôn Phước Hạ do ông Nguyễn Đức Phán làm chủ. Sau khi phát hiện ông Phán san ủi, phân lô trái phép trên diện tích khoảng 3ha, UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, buộc ông Phán khôi phục hiện trạng ban đầu. Do ông Phán không chấp hành, năm 2020, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng này, giao UBND xã Phước Đồng quản lý. Không chỉ san ủi đất rừng trái phép, ông Phán còn tổ chức xây dựng một kè đá tạm bợ dài cả trăm mét, cao gần 10m; trong khi phía dưới kè đá là hàng chục hộ sinh sống. Những hộ này đang lo lắng nếu không có giải pháp xử lý kè đá, mùa mưa tới, nước rất dễ tạo thành dòng thác xô đổ kè đá xuống khu dân cư.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho rằng, rất khó để khôi phục hiện trạng ban đầu ở khu vực này vì cả quả đồi đã bị ông Phán đào nát, san ủi tạo thành mặt bằng để phân thành 500 lô đất. Kè đá cũng không thể tháo dỡ vì một khối lượng đất đá rất lớn phía trên sẽ tràn xuống khu dân cư phía dưới. Phương án tốt nhất là gia cố lại bức tường cho chắc chắn, đồng thời có giải pháp chia nước chảy ở trên xuống thành nhiều dòng, tránh sạt lở khi mưa lớn.
Cách UBND xã Phước Đồng khoảng 500m, tại thôn Phước Tân cũng có một khu đất trồng cây lâu năm rộng khoảng 2ha nằm trên đồi núi được ông Phán phân lô bán nền từ năm 2018. Sau khi phát hiện, UBND TP. Nha Trang đã lập biên bản, yêu cầu ông Phán khôi phục hiện trạng ban đầu. Thời điểm đó, ông Phán có khôi phục nhưng không đạt yêu cầu nên UBND TP. Nha Trang thu hồi đất, giao UBND xã Phước Đồng quản lý. Tại thôn Phước Lợi, một lô đất rộng hơn 8.000m2 do bà Lê Thị Thoa đứng tên cũng được san ủi, phân lô. Khu vực này đã được thu hồi, nhưng đã có gần 10 hộ xây nhà đến ở.
Rà soát để xin ý kiến chỉ đạo
Theo hồ sơ do lãnh đạo UBND xã Phước Đồng cung cấp, từ năm 2019 đến nay, UBND TP. Nha Trang đã ban hành nhiều quyết định thu hồi đất rừng, đất trồng cây lâu năm bị chủ đất sử dụng sai mục đích. Cụ thể, UBND thành phố đã thu hồi gần 19.000m2 đất rừng của ông Nguyễn Ngọc Tuấn do ông này hủy hoại đất, phân lô bán nền; thu hồi gần 7.000m2 đất trồng cây lâu năm của ông Nguyễn Văn Chiến; thu hồi gần 3.000m2 đất nông nghiệp của ông Nguyễn Đình Việt… Tuy nhiên, hiện nay, hàng nghìn mét vuông đất bị hủy hoại đã thu hồi nhưng chưa có giải pháp khôi phục hiện trạng ban đầu.
Ông Bùi Cao Pháp cho biết, mới đây, UBND xã Phước Đồng đã chỉ đạo cán bộ địa chính rà soát toàn bộ diện tích đất bị hủy hoại đã có quyết định thu hồi. UBND xã sẽ báo cáo cụ thể vị trí, diện tích, hiện trạng từng khu đất lên UBND TP. Nha Trang để xin ý kiến về việc khôi phục hiện trạng các khu đất này. Trước mắt, UBND xã sẽ tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng lấn chiếm, giao dịch mua bán… Tuy nhiên, về lâu dài, phải có giải pháp khôi phục hiện trạng, tránh xói lở, đảm bảo an toàn khu dân cư phía dưới.
VĂN KỲ