Hiện nay, nhu cầu xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao nhưng các ngành chức năng của tỉnh còn lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành, địa phương xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.
Hiện nay, nhu cầu xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao nhưng các ngành chức năng của tỉnh còn lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành, địa phương xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.
Lúng túng lựa chọn công nghệ
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt đã được UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thực hiện từ năm 2018 - 2019. Thời điểm đó, nhiều loại công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đang sử dụng trên cả nước nhưng chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Bộ Xây dựng cũng chưa giới thiệu được công nghệ tối ưu, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách địa phương.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, xử lý chất thải rắn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đô thị bởi nó không chỉ ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ rác thải mà còn có thể thu hồi vật liệu, vật phẩm để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Những năm qua, nước ta đã áp dụng một số công nghệ để xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ thích hợp.
Ông Trần Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, tỉnh thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đầu tư các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Tại cuộc họp với UBND tỉnh mới đây, có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các doanh nghiệp đều giới thiệu các công nghệ xử lý tiên tiến nhưng chưa thống nhất. Để chọn được công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cho từng nhà máy cần có các tiêu chí cụ thể. Chính vì vậy, cơ quan chức năng của tỉnh cần hiểu rõ công nghệ và phương pháp lựa chọn công nghệ để xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương hoàn thành bộ tiêu chí
Theo thống kê của Sở Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2018 hơn 1.000 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2025, lượng chất thải rắn 1.500 tấn/ngày, đến năm 2030 là 2.000 tấn/ngày. Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, các huyện, thị xã, thành phố sẽ áp dụng công nghệ xử lý đốt thu hồi năng lượng và xử lý bằng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu khối lượng chất thải trực tiếp tại bãi chôn lấp. Riêng 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn tiếp tục áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. |
Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh tiêu chí và thang điểm để lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, có năng lực, bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường và tận dụng được các sản phẩm đầu ra của quy trình sản xuất chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí về: Công nghệ xử lý, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý, mức độ phổ biến của dây chuyền công nghệ, số đơn nguyên trong dây chuyền công nghệ, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tiết kiệm diện tích đất, cam kết ký quỹ bảo đảm tiến độ thực hiện, giá dịch vụ xử lý… Nhà đầu tư có điểm cao nhất sẽ được chọn.
Trên cơ sở bộ tiêu chí do Sở Xây dựng đề xuất, trong cuộc họp cuối tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt cho 3 khu vực: Thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm; hoàn thành trình UBND tỉnh trước ngày 15-4.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư gồm: Công nghệ xử lý, có thu hồi nhiệt để phát điện (tỷ lệ chôn lấp sau xử lý 100%); vốn chủ sở hữu tối thiểu trên tổng mức đầu tư; tiêu chí về môi trường và xã hội; giá dịch vụ xử lý không quá 400.000 đồng/tấn. Sau khi hoàn thành bộ tiêu chí, Sở TN-MT tham mưu văn bản gửi Bộ TN-MT, Bộ Khoa học và Công nghệ xin ý kiến trước khi UBND tỉnh ban hành để triển khai thực hiện.
KỲ VĂN