10:01, 03/01/2021

Đầu tư vào bất động sản vẫn có sức hút

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), hết năm 2020, cả nước có 6.694 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, giảm 15,5% so với năm 2019, tương đương với gần 19 doanh nghiệp "chào đời" mỗi ngày.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), hết năm 2020, cả nước có 6.694 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) được thành lập mới, giảm 15,5% so với năm 2019, tương đương với gần 19 doanh nghiệp “chào đời” mỗi ngày. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, năm 2020, tình hình hoạt động, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến 978 doanh nghiệp phải giải thể. Điều đáng lạc quan là mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng đến cuối năm 2020, lĩnh vực BĐS vẫn thu hút tới 3 tỷ USD vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Trong đó, có tới 2 tỷ USD được đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh BĐS.


Theo các chuyên gia kinh tế, BĐS năm 2020 đối diện nhiều khó khăn, nhưng bước sang năm 2021 sẽ hồi phục và tăng trưởng mạnh, khi nhu cầu của người dân tăng mạnh. Tại diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam với chủ đề “Đón sóng đầu tư mới” diễn ra cuối năm 2020, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết, có 3 làn sóng đầu tư BĐS công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn. Làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996; đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp; năm 2020 là giai đoạn đặc biệt nhất khi trở thành làn sóng mới liên tục lập đỉnh. Mặt bằng giá chung tại các thủ phủ công nghiệp phía nam và phía bắc đều tăng từ 50 đến 100% so với năm 2019, song vẫn thiếu nguồn cung.


NHẬT THANH