Thời gian qua, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải còn nhiều bất cập. Từ năm 2021, những vấn đề tồn tại sẽ được giải quyết bởi Nghị định 53, ngày 5-5-2020.
Thời gian qua, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải còn nhiều bất cập. Từ năm 2021, những vấn đề tồn tại sẽ được giải quyết bởi Nghị định 53, ngày 5-5-2020.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thời gian qua, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị, cơ quan chức năng vẫn đôn đốc thu đảm bảo. Theo quy định, thu phí nước thải sinh hoạt được giao cho các đơn vị cung cấp nước sạch (toàn tỉnh Khánh Hòa có 6 đơn vị là công ty, ban quản lý công trình đô thị), bình quân hàng năm thu khoảng 26 - 27 tỷ đồng (đạt 95 - 96%); Sở TN-MT trực tiếp thu phí nước thải công nghiệp, bình quân hàng năm thu 600 - 700 triệu đồng (đạt 75 - 76%).
Ông Trịnh Xuân Dũng (thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) cho hay, thời gian qua, việc thu phí nước thải đối với trại heo của ông có nhiều bất cập. Theo quy định, lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm có 1 khung thu duy nhất là 1,5 triệu đồng/năm. Trong khi đó, tại trại heo của ông thời điểm heo còn nhỏ lượng nước thải rất ít, chỉ 1 - 2m3/ngày đêm. Khi heo lớn, lượng nước thải qua tắm rửa heo có cao hơn nhưng tối đa cũng chỉ 15m3/ngày đêm, nhưng ông phải chịu đóng phí mức chung là 1,5 triệu đồng/năm.
Bà Lý Hạnh Thủy - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, một số cơ sở sản xuất may mặc không có dệt nhuộm, không phát sinh kim loại nặng gây ô nhiễm nhưng cũng phải chịu trách nhiệm lập thông số ô nhiễm 4 kim loại nặng gồm asen, thủy ngân, chì và camidi như quy định là không hợp lý. Đồng thời, việc thu mẫu phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng sẽ tốn nhiều chi phí, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân nộp phí.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 246 cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, 43 cơ sở có lưu lượng nước thải trên 20m3/ngày đêm; 203 cơ sở có lưu lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm. Các đối tượng thu phí nước thải công nghiệp chủ yếu là các khu công nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản, nước giải khát, sản xuất bia, chế biến đường… |
Theo ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, những bất cập nói trên sẽ được sửa đổi cho phù hợp với Nghị định 53 quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay cho Nghị định 154 (ngày 16-11-2016). Trong đó, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng như: Đối tượng chịu phí là cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm xác định theo quy mô trang trại; cơ sở nuôi trồng thủy sản thì thuộc diện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay kế hoạch bảo vệ môi trường; quy định chi tiết lượng nước thải dưới mức 20m3/ngày đêm và thông số ô nhiễm dựa vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu cơ sở chưa có quy chuẩn thì căn cứ vào thông số ô nhiễm có trong hồ sơ môi trường được phê duyệt… Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 nhưng áp dụng cách tính mới kể từ năm 2021 trở đi.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay, Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phân cấp thu phí nước thải công nghiệp trong diện quản lý. Cụ thể, sở tiến hành thu các đơn vị có hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và một số trường hợp đặc biệt; phòng TN-MT cấp huyện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải các đối tượng có hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền cấp huyện. Đồng thời, đề xuất điều tra, thống kê các cơ sở sản xuất có nguồn thải để phục vụ việc quản lý và thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong thời gian tới.
Q.V