Những năm qua, thành phố Nha Trang đã quan tâm đầu tư hệ thống chiếu sáng trang trí phục vụ các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, hiện nay, các phương án và giải pháp chiếu sáng mỹ thuật trên địa bàn thành phố chưa đồng bộ, hiệu quả đầu tư chưa cao...
Những năm qua, TP. Nha Trang đã quan tâm đầu tư hệ thống chiếu sáng trang trí phục vụ các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, hiện nay, các phương án và giải pháp chiếu sáng mỹ thuật trên địa bàn thành phố chưa đồng bộ, hiệu quả đầu tư chưa cao...
Hiện nay, hệ thống chiếu sáng của TP. Nha Trang chưa tạo được điểm nhấn chung của đô thị biển Nha Trang cũng như bản sắc riêng trong đô thị. Theo đánh giá của thành phố, hệ thống chiếu sáng được bố trí chưa hợp lý, còn thiếu những điểm nhấn quan trọng; thiếu những khu vực mang lại trải nghiệm cho người dân và du khách; giải pháp chiếu sáng lạc hậu, chú trọng hình thức chiếu sáng trực tiếp thay vì chiếu sáng gián tiếp, kém an toàn mà ít hiệu quả thẩm mỹ; hình thức chiếu sáng đơn điệu...
Từ đó, thành phố đã tổ chức lập đề án Chiếu sáng mỹ thuật đô thị nhằm định hướng, quy định cho việc chiếu sáng một số tuyến đường, công trình, khu vực điểm nhấn trên địa bàn. Phạm vi đề án gồm: chiếu sáng mỹ thuật công viên; chiếu sáng mỹ thuật các tuyến phố chính; chiếu sáng mỹ thuật cầu, công trình; chiếu sáng mỹ thuật các tòa nhà cao tầng phía tây đường Trần Phú, đoạn từ đường Lê Lợi đến Hoàng Diệu. Theo đề án, đối với tuyến công viên dọc đường Trần Phú, sẽ sử dụng đèn led trang trí nhấn mạnh tất cả các cây dừa; sử dụng đèn hắt chiếu sáng vào các cây phi lao cổ; đèn chiếu tầm thấp chiếu sáng đường đi dạo và đèn dạng lát trên nền sàn. Tại khu vực Quảng trường 2-4, đề xuất sử dụng nhạc ánh sáng, chiếu sáng từ các tòa nhà cao tầng xung quanh. Khu vực công viên thiếu nhi và công viên Yến Phi sẽ thiết kế chương trình ánh sáng rực rỡ sắc màu vào ban đêm, tạo điểm đến hấp dẫn du khách, các chương trình này có thể thay đổi theo mùa, thời tiết...
Tại tháp Trầm Hương, đề xuất bỏ tất cả các loại đèn chiếu sáng, chỉ giữ một màu vàng trầm để tạo cảm giác hình khối cho tháp được vững vàng hơn; ngoài ra, bổ sung thêm đèn laser mạnh ở đỉnh tháp để tạo ra hiệu ứng điểm nhấn từ xa như ngọn hải đăng. Tương tự, tại nhà thờ Chánh tòa cũng sẽ chiếu ánh sáng vàng làm nổi bật kiến trúc công trình, đồng thời giảm thiểu các nguồn sáng xung quanh... Với các tòa nhà cao tầng phía tây thành phố khá đa dạng về hình thức kiến trúc, chiều cao, vị trí; mặt khác, mỗi tòa nhà là của một chủ đầu tư, vì vậy rất khó để áp đặt chiếu sáng mỹ thuật như nhau và đồng bộ. Khi thực hiện thẩm định, phê duyệt dự án, TP. Nha Trang kiến nghị Sở Xây dựng nghiên cứu thẩm định nội dung về chiếu sáng mỹ thuật cho các tòa nhà này.
Dự kiến, phân kỳ đầu tư của đề án kéo dài trong 5 năm, từ năm 2021 đến 2025 với tổng vốn ước tính 174 tỷ đồng; bên cạnh đó, các công trình như: nhà thờ Chánh tòa, Tháp Bà Ponagar, các tòa nhà cao tầng phía tây đường Trần Phú sẽ bố trí các nguồn vốn khác. Tại báo cáo triển khai đề án, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép UBND thành phố phê duyệt đề án. Trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các đơn vị liên quan trước khi triển khai các dự án chi tiết.
Được biết, TP. Nha Trang đã lấy ý kiến của Sở Xây dựng, Sở Công Thương, hội đồng phản biện tại Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh... Theo báo cáo phản biện đồ án Thiết kế chiếu sáng mỹ thuật đô thị TP. Nha Trang của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, trong đề án mới chỉ quan tâm chủ yếu dọc đường Trần Phú và một số tuyến đường là chưa đủ, đề nghị UBND TP. Nha Trang thêm cảng du lịch Nha Trang, đồi Bảo Đại, khu Hòn Chồng, điểm cực bắc thành phố trên đường Phạm Văn Đồng, khu vực phía tây đảo Hòn Tre.
Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở: Văn hóa và Thể thao, Xây dựng, Du lịch, Tài chính và các đơn vị liên quan làm việc với UBND TP. Nha Trang để kiểm tra, đối chiếu kiến nghị nói trên. Trong đó, yêu cầu làm rõ nguồn vốn đầu tư của đề án và toàn bộ các nội dung khác liên quan.
HẠ PHONG