Nhân ngày Nước thế giới (22-3), phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Hoàng Anh Hào - Trưởng phòng Khoáng sản - Nước - Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa về vấn đề này.
- Thưa ông, vì sao chủ đề ngày Nước thế giới 2020 được Liên hợp quốc xác định là “Nước và biến đổi khí hậu”?
- Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22-3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước trong việc bảo vệ sức khỏe của con người và duy trì các hệ sinh thái trên hành tinh. Chủ đề ngày Nước thế giới năm nay là “Nước và biến đổi khí hậu”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp thiết của việc tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Việc tập trung vào chủ đề này cũng đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự thay đổi điều kiện khí quyển và đại dương đang định hình lại chu trình thủy văn toàn cầu hiện nay.
- Thưa ông, biến đổi khí hậu ngày càng có tác động sâu sắc đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã có những giải pháp gì để ứng phó với biến đổi khí hậu?
- Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống thủy lợi khắc phục tình trạng khô hạn, ngập úng; nghiên cứu, đánh giá, bổ sung đặc điểm khí hậu thủy văn của tỉnh…
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch theo tiêu chuẩn ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường); áp dụng các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm tiêu thụ năng lượng; phát triển năng lượng sạch, thân thiện với môi trường như: điện mặt trời và điện sinh khối; sử dụng và phát triển vật liệu không nung. Bên cạnh đó, triển khai tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống thiên tai; xác định cấp độ rủi ro thiên tai, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao nhận thức cộng đồng bằng đề án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”; lập bản đồ ngập lụt khu vực sông Dinh Ninh Hòa và sông Cái Nha Trang để nâng cao năng lực cảnh báo lũ, lụt… Mặt khác, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái biển, rừng tự nhiên nhằm gia tăng khả năng hấp thụ khí thải nhà kính…
- Xin cảm ơn ông!
V.L (Thực hiện)