10:12, 10/12/2019

Xã hội hóa công tác bảo tồn biển

Trước thực tế công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng biển trong vịnh Nha Trang còn khó khăn, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang có phương án tiến đến xã hội hóa công tác bảo tồn biển tại một số khu vực trong vịnh.

Trước thực tế công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng biển trong vịnh Nha Trang còn khó khăn, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đang có phương án tiến đến xã hội hóa công tác bảo tồn biển tại một số khu vực trong vịnh.


Nhiều khu vực cần bảo tồn


Hiện nay, tại nhiều địa điểm của vịnh Nha Trang có nhiều nguồn giống thủy, hải sản tự nhiên phát triển tốt. Vùng biển ven bờ từ Hòn Chồng đến Bãi Tiên là nơi có bãi tôm hùm lớn trong vịnh Nha Trang. Nơi đây có bãi giống tôm hùm sao, tôm hùm bông với diện tích khoảng hơn 550ha, sống chủ yếu bám vào các khối san hô chết ở độ sâu từ 5 - 7m. Khu vực Bãi Tiên và Hòn Rùa là hai khu vực duy nhất trong vịnh có bãi giống tự nhiên là cá dìa, giò con, ngoài ra còn có nguồn giống mực lá, ốc đụn. BQL vịnh đã xác định được 11 bãi giống, trong đó có 7 khu vực bãi giống tôm hùm; 2 khu vực bãi giống cá dìa, cá giò; 1 khu vực là bãi đẻ của mực lá và bãi ương giống của ốc đụn, cá dìa; 1 khu vực phía bắc Hòn Tre là bãi ương giống của bào ngư, ốc đụn, ốc mặt trăng và tôm đỏ.

 

Khu vực biển Hòn Chồng có mật độ san hô sống chiếm 20 đến 30%.

Khu vực biển Hòn Chồng có mật độ san hô sống chiếm 20 đến 30%.


Qua kiểm tra, khảo sát đa dạng sinh học của BQL vịnh Nha Trang, trong những năm vừa qua, đa dạng sinh học trong vịnh đang có xu hướng phục hồi khá tốt, đặc biệt là rạn san hô tại khu vực biển Hòn Chồng (mật độ san hô sống chiếm từ 20 đến 30%, trong đó có 11,6ha cỏ biển). Hiện nay, khu vực này đang chịu nhiều tác động bất lợi có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của rạn san hô như: nguy cơ ô nhiễm từ cống nước thải; ngày có mức nước thủy triều thấp, một số người dân và du khách xuống biển thu nhặt, bẻ san hô. Công tác bảo vệ tại khu vực này khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng tuần tra mỏng; đơn vị chỉ có 1 tàu thường xuyên trực bảo vệ tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong vịnh.


Nằm ở phía bắc vịnh Nha Trang, khu vực biển Bãi Tiên lại chịu tác động của việc lấn biển của các khu du lịch đang xây dựng; một phần vùng triều ven bờ đã bị mất đi do việc san lấp mở rộng mặt bằng; khối lượng đất, đá, bùn lắng đọng làm ô nhiễm nước cục bộ... Các số liệu về lắng đọng trầm tích đã chỉ ra tác động có thể có của các nguồn đổ vào từ đất liền làm ảnh hưởng tới rạn san hô chủ yếu ở gần bờ.


Việc cần thiết


Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, tình trạng hệ sinh thái trong vịnh không còn duy trì trong điều kiện tốt và nhiều khu vực trong tình trạng suy thoái do tác động của tự nhiên, con người. Việc tiến hành phục hồi hệ sinh thái hết sức cần thiết nhằm gia tăng số lượng và thúc đẩy quá trình phục hồi của các rạn san hô. Các khu vực bãi giống, bãi đẻ nằm trong khu vực mặt nước đang được các công ty thuê và họ sẵn sàng tham gia các hoạt động phục hồi, quản lý rạn san hô ở khu vực này. Vì vậy, BQL vịnh đã đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa đơn vị và các công ty để tổ chức quản lý tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và nguồn giống thủy sản nói riêng. Việc phối hợp với doanh nghiệp vừa phát huy được trách nhiệm của các bên, huy động được nguồn lực và năng lực quản lý tại chỗ, phương án này được đánh giá mang tính khả thi cao.


Theo phương án đề ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức phổ biến quy định quản lý hệ sinh thái bằng nhiều hình thức cho nhân viên và khách tham quan; phối hợp chặt chẽ với BQL vịnh Nha Trang canh gác, tuần tra trong khu vực được giao để phát hiện, xử lý các vi phạm, vấn đề phát sinh; lên kế hoạch hoạt động tại khu vực theo hướng du lịch sinh thái, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường; thiết lập phao phân vùng khu vực bảo vệ bãi giống, bãi đẻ trên cơ sở đề xuất của BQL vịnh Nha Trang; đầu tư kinh phí trong việc tái tạo nguồn lợi hay phục hồi hệ sinh thái.


BQL vịnh sẽ có trách nhiệm khảo sát, đánh giá định kỳ các chỉ tiêu sinh thái tại khu vực giao cho doanh nghiệp; phối hợp triển khai tuần tra, bảo vệ, quản lý các hoạt động đánh bắt thủy sản quanh khu vực nhằm bảo vệ hệ thống và nguồn lợi thủy sản; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xác định vị trí, phân vùng bảo vệ, mùa vụ các bãi giống, bãi đẻ; đề xuất phương án bảo vệ, sử dụng hợp lý vùng mặt nước... Kinh phí triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ tại khu vực trích từ các nguồn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn thu từ hoạt động khai thác dịch vụ tham quan, du lịch, các khoản trích từ hoạt động kinh doanh liên quan.


“Việc các công ty, doanh nghiệp chung tay cùng công tác bảo tồn biển sẽ tạo nhiều thuận lợi, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. Chúng tôi đã lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng để hoàn thiện phương án trình thành phố”, ông Thái cho biết.


V.THÀNH