Đến nay, xã Ninh Bình có 4/9 thôn tổ chức thu gom rác tự quản là Bình Thành, Phước Lý, Phong Ấp và Tuân Thừa (80% hộ đóng phí, 20% hộ tự hủy rác); 5 thôn còn lại vẫn chưa tổ chức được do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu phương tiện nên không thể mở rộng địa bàn. Tại những khu vực này thường xảy ra tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, hình thành những bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường.
Thiếu phương tiện
Đến nay, xã Ninh Bình có 4/9 thôn tổ chức thu gom rác tự quản là Bình Thành, Phước Lý, Phong Ấp và Tuân Thừa (80% hộ đóng phí, 20% hộ tự hủy rác); 5 thôn còn lại vẫn chưa tổ chức được do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu phương tiện nên không thể mở rộng địa bàn. Tại những khu vực này thường xảy ra tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, hình thành những bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, xã phải hợp đồng với tư nhân thu gom rác. Song, việc thu phí rác không cân đối đủ thu chi nên xã phải xin thị xã hỗ trợ thêm, hàng năm khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này ngoài việc trả chi phí xe, thù lao nhân công, còn tổ chức vệ sinh, đốt dọn bãi rác và các điểm phát sinh rác. Theo ông Trương Bình - Chủ tịch UBND xã, do thiếu phương tiện thu gom rác nên thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng rác không được thu dọn kịp thời, khiến môi trường bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc trả phí thu gom rác không kịp thời cũng khiến tư nhân bỏ việc. Nếu có phương tiện vận chuyển, xã sẽ chủ động hơn trong việc thu gom rác. Xã sẽ triển khai thành lập 2 đội thu gom rác (4 người, 2 ca), thuê tài xế và lên lịch thu gom mở rộng ra toàn địa bàn.
Tại xã Ninh Phú, việc tổ chức thu gom rác cũng gặp khó khăn do thiếu phương tiện. Đến nay, xã mới tổ chức thu gom rác 7/11 khu dân cư, thuộc 5/8 thôn là Hội Phú Nam, Văn Định - Bằng Phước, Hội Phú Bắc 1, 2 và Hội Điền. Theo ông Tô Mỹ Khánh - Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, không có xe, xã phải ký hợp đồng thu gom rác với Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa. Địa bàn chính là những khu dân cư, đường thôn, xóm, xe rác chuyên dụng có thể vào được. Kinh phí thị xã hỗ trợ bình quân 8 triệu đồng/tháng. Năm 2019, xã xin hỗ trợ 134 triệu đồng, thị xã hứa sẽ bổ sung kinh phí trong quý III/2019. Việc mở rộng địa bàn thu gom còn phải chờ cho tới khi tiêu chí giao thông hoàn thành, các tuyến đường được mở rộng sẽ triển khai ra các thôn còn lại.
15/20 xã tổ chức mô hình thu gom rác tự quản
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, đến nay, 7 phường của thị xã được Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa thu gom, đưa về bãi rác Hòn Rọ xử lý. Khối lượng rác phát sinh hàng năm 25.000 - 26.000 tấn. Công ty huy động 4 xe tải, 2 xe chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển, thu gom rác. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 15/20 xã tổ chức được loại hình thu gom rác tự quản là: Ninh Bình, Ninh Đông, Ninh Hưng, Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Phú, Ninh Phụng, Ninh Phước, Ninh Quang, Ninh Sim, Ninh Sơn, Ninh Thân, Ninh Thượng, Ninh Trung và Ninh Vân. Khối lượng phát sinh hàng năm khoảng 20.000 - 21.000 tấn. Phương pháp xử lý là chôn, đốt tại các bãi rác của xã. Trong số 15 xã nói trên, chỉ có 5 xã có phương tiện thu gom rác là: Ninh Phụng, Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Quang và Ninh Thượng. Ông Lê Văn Hiến - Chủ tịch UBND xã Ninh Quang cho biết: Năm 2017, xã được hỗ trợ mua sắm xe thu gom rác với kinh phí 306 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và thị xã hỗ trợ xã nông thôn mới, nhờ đó việc thu gom rác chủ động hơn. Xã xây dựng kế hoạch thu gom, quy định các điểm tập kết, thành lập 2 đội vệ sinh (mỗi đội 3 công nhân và 1 tài xế). Tài xế được trả công 5,5 triệu đồng/tháng; nhân công hốt rác 3,5 triệu đồng/tháng, bao trọn gói việc dọn, đốt rác tại bãi rác của xã. Đến nay, việc thu gom rác thực hiện thuận lợi.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay, thị xã không có dự trù kinh phí mua sắm xe vận chuyển rác cho các xã. Thời gian qua, từ nhiều nguồn, một số xã đã chủ động bổ sung mua sắm xe vận chuyển rác, hoặc hợp đồng xe với thành phần kinh tế tư nhân để thực hiện kế hoạch thu gom rác. Thị xã sẽ bố trí ngân sách hàng năm để hỗ trợ các hoạt động thu gom rác, bảo vệ môi trường trên địa bàn.
V.LẠC