Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giải quyết việc làm cho các đối tượng mới chuyển đến các khu tái định cư (TĐC) do Nhà nước thu hồi đất làm dự án.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giải quyết việc làm cho các đối tượng mới chuyển đến các khu tái định cư (TĐC) do Nhà nước thu hồi đất làm dự án.
Khảo sát thực tế
Sở LĐ-TB-XH vừa phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát tình hình thực tế cuộc sống của người dân tại các khu TĐC: Ninh Giang, Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa), số 2, Vĩnh Yên, Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), Thủy Tú, Đất Lành, Vĩnh Trường (TP. Nha Trang). Quá trình khảo sát, đoàn đã gặp ngẫu nhiên 20 hộ đang sinh sống tại 9 khu TĐC. Đa số người dân khi được hỏi đều cho biết, điều kiện nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, tiền đền bù thỏa đáng và lô đất tái định cư có giá trị hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, một số khu TĐC vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và khi đến nơi mới, người dân gặp khó khăn vì phải đi làm xa. Một số hộ tại khu TĐC Ninh Thủy sau khi nhận đất đã sang nhượng lại cho người khác, lấy tiền mua đất tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) tiếp tục nghề trồng tỏi.
Quá trình khảo sát cũng có trường hợp cho rằng tiền đền bù và cấp đất TĐC chưa thỏa đáng. Bà Nguyễn Thị Nhung (khu TĐC số 2, thôn Tây Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) cho biết, Nhà nước thu hồi của bà 2.500m2 đất ở và đất rẫy, nhưng chỉ cấp lại 400m2 đất ở và đất trồng cây là chưa tương xứng.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH cho biết, người dân có đất thu hồi làm dự án chủ yếu làm nông nghiệp, trình độ thấp, lớn tuổi nên không muốn chuyển đổi nghề nghiệp. Công việc chính của họ trước đây là làm ruộng, làm rẫy, đi biển nên khi đến nơi ở mới không có những công việc tương đồng. Vì vậy, người dân đề nghị Nhà nước khi thu hồi đất phải nghiên cứu, bố trí khu TĐC phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền cần đảm bảo an ninh tại các khu TĐC, bố trí trạm y tế gần các khu TĐC để thuận lợi khám, chữa bệnh.
Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi đất để triển khai xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, các dự án hạ tầng là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển. Việc thu hồi đất làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận người dân. Tình trạng người lao động trong vùng bị giải tỏa đất nông nghiệp bị thiếu việc làm, thất nghiệp, không chuyển đổi được nghề nghiệp, khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt đã và đang diễn ra. Đây là vấn đề nóng, bức xúc hiện nay.
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, từ tháng 1-2015 đến tháng 4-2016, toàn tỉnh có 30 dự án thu hồi 3.201ha đất. Tổng cộng có 1.239 hộ với 3.967 nhân khẩu bị thu hồi đất, trong đó có 2.984 nhân khẩu trong độ tuổi lao động. Theo đó, có 283 người trong độ tuổi lao động bị mất việc làm sau khi thu hồi đất, chiếm 9,48%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, số liệu thống kê chưa đầy đủ có 90 dự án, dự kiến sẽ thu hồi 821ha đất. Giai đoạn này có khoảng 611 hộ, với hơn 3.000 nhân khẩu sẽ bị thu hồi đất, trong đó có 1.620 nhân khẩu trong độ tuổi lao động. |
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2013, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đào tạo mỗi năm khoảng 4.000 lao động nông thôn, trong đó có lao động bị thu hồi đất. Tuy nhiên theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, việc này không mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhiều người sau khi đào tạo nghề vẫn quay lại nghề cũ mặc dù khu TĐC cách nơi ở cũ cả 10-15km. Trong khu TĐC có nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau nên cũng gặp khó khăn trong phân loại, đào tạo nghề phù hợp.
Về hỗ trợ vốn vay ưu đãi, ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, hiện nay Khánh Hòa được Trung ương phân bổ 20 tỷ đồng để cho vay ưu đãi đối với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn. Sở đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm nhằm hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng công việc cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
“Sở đã phối hợp với Viện Khoa học lao động và xã hội tổ chức khảo sát thí điểm các hộ bị thu hồi đất, các doanh nghiệp đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang). Bước đầu, đã khảo sát 4 doanh nghiệp và 10 hộ bị thu hồi đất. Sở và viện đã hoàn thiện đề cương và báo cáo thuyết minh trước Hội đồng Khoa học cấp tỉnh vào cuối tháng 2-2017. Hiện nay, sở và viện đang phối hợp triển khai đề tài này và kết quả bước đầu khá khả quan. Cuối năm 2017, sau khi đề án hoàn thành, sở sẽ báo cáo kết quả trước UBND tỉnh”, ông Trí cho hay.
VĂN KỲ