Chương trình phát triển đô thị thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình) đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất là thiếu vốn đầu tư.
Chương trình phát triển đô thị thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình) đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất là thiếu vốn đầu tư.
Lãnh đạo UBND thị xã cho biết, các công trình trọng điểm của thị xã đã và đang triển khai thi công gồm: Đường Bắc Nam (giai đoạn 1); đường Lê Ngọc Bán; nâng cấp, mở rộng đường 16-7; đê kè chống xói lở bờ sông Dinh. Các công trình đã thực hiện thủ tục nhưng chưa có vốn thi công gồm: Đường Bắc Nam (giai đoạn 2); cơ sở hạ tầng Khu dân cư Bắc và Nam đường K10. Mặt khác, thị xã đã hoàn thành lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã Ninh Thọ và xã Ninh An để đầu tư đưa 2 xã này lên đô thị loại V. Đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.553 tỷ đồng. Trong đó, thị xã làm chủ đầu tư hơn 470 tỷ đồng; các sở, ngành làm chủ đầu tư 1.083 tỷ đồng.
Một góc thị xã Ninh Hòa |
Bên cạnh đó, địa phương còn có các công trình, dự án tạo động lực để phát triển đô thị Ninh Hòa với tổng kinh phí hơn 217 tỷ đồng gồm: Khu neo đậu tàu thuyền Ninh Hải hơn 27 tỷ đồng; đường vào Khu du lịch Ba Hồ hơn 7 tỷ đồng; công trình thoát lũ sông Tân Lâm hơn 64 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng khu dân cư đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh 12 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có công trình nâng cấp nhà máy cấp nước Ninh Hòa (vay Quỹ Đầu tư phát triển) hơn 3 tỷ đồng; công trình tiểu dự án phát triển đô thị vừa và nhỏ Ninh Hòa (vốn ODA) 93 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn hơn 10 tỷ đồng.
Theo nhận định của UBND thị xã, tuy Chương trình đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung tiến độ vẫn còn chậm vì chưa được bố trí vốn kịp thời. Các dự án hoàn thành và triển khai dở dang đều chuyển tiếp ở giai đoạn 2007 - 2010. Công việc triển khai phần lớn là các đồ án quy hoạch xây dựng, công trình hạng mục về giáo dục, giao thông đô thị, khu tái định cư... Ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch UBND phường Ninh Giang cho biết, Chương trình triển khai trên địa bàn phường không vướng quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, tuy nhiên lại gặp khó khăn về vốn. Năm 2014, phường đã thi công tuyến N5, xây dựng khu tái định cư phục vụ Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, nhưng đến nay chỉ thanh toán được 2/3, số vốn còn lại phải ghi kế hoạch vào năm 2016.
Đến thời điểm này, Chương trình đã quy hoạch 9 đồ án (tiến hành cắm mốc thực địa theo quy hoạch 1/2.000), triển khai 8 đồ án (1 đang điều chỉnh quy hoạch); thi công hạ tầng kỹ thuật 6 dự án, 5 dự án đã có báo cáo kinh tế kỹ thuật nhưng chưa triển khai được vì thiếu vốn; xây dựng 3/5 khu dân cư và tái định cư; triển khai xây dựng 4/8 công trình giáo dục. |
Ông Phan Thanh Hóa - Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã cho biết, mục tiêu Chương trình đề ra khá lớn và toàn diện trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp một số xã lên đô thị loại V. Kế hoạch huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả xã hội hóa. Thế nhưng hiện tại, việc bố trí vốn chưa đáp ứng được, đặc biệt là các công trình trọng điểm, cấp bách. Ngoài ra, một số công trình đã phê duyệt, triển khai thi công nhưng không có vốn để thanh toán khối lượng; có 22 công trình mới nhưng chỉ thực hiện được 2 công trình; các công trình do sở, ngành thực hiện mới đạt 46%... Bên cạnh đó, các dự án lớn tạo động lực như: Trung tâm căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong, Tổ hợp lọc hóa dầu Vân Phong, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Khu công nghiệp Ninh Thủy... tạm dừng hoặc triển khai chậm cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình đô thị hóa. Do khó khăn nguồn vốn ngân sách nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư chậm hoặc dừng triển khai. Điều này làm cho việc huy động nguồn tài chính từ bán đấu giá quyền sử dụng đất còn hạn chế, không bảo đảm kế hoạch...
Nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 - 2015 hơn 4.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 3.600 tỷ đồng. Để triển khai thực hiện, thị xã đề xuất tỉnh cần cho ý kiến về kế hoạch trung hạn (2016 - 2020) và khả năng nguồn vốn ngân sách 5 năm tới để địa phương chủ động lập kế hoạch; xem xét bố trí vốn đầu tư các khu dân cư Ninh Thọ, Ninh An để hoàn thiện đô thị loại V cũng như khu hành chính mới (huyện mới) theo Đề án chia tách thị xã; có cơ chế đặc thù hỗ trợ thị xã sớm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV, nhất là các đồ án, dự án trọng điểm.
Q.V