22:56, 30/10/2024

Nhiều trường mầm non ở Nha Trang: Ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến 

H.NGÂN

Những năm gần đây, nhiều trường mầm non trên địa bàn TP. Nha Trang đã tiếp cận, vận dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại trong tổ chức hoạt động giáo dục. Qua đó, kích thích sự tò mò, sáng tạo và phát huy tốt tính chủ động, tích cực của trẻ. 

Tích cực đổi mới

Để tổ chức các hoạt động học theo hướng tiếp cận phương pháp giáo dục Reggio Emilia, Trường Mầm non Tân Lập 1 đã bố trí từng khu vực riêng biệt cho trẻ tham gia hoạt động theo từng chủ đề. Ở phòng nghệ thuật, các bé được tự tay tạo ra các sản phẩm tặng cho người thân. Ở phòng ánh sáng, nhóm trẻ khác thỏa sức khám phá các loại ánh sáng với màu sắc lạ mắt và sinh động. Khu vực bên trái sân khấu của trường là hoạt động thi hát về chủ đề gia đình của các ca sĩ nhí cùng với nhạc công, trong khi các bạn nhỏ phía bên kia chăm chú, say sưa với những chiếc bánh tự nặn. Các nhóm trẻ khác đóng vai thành người thợ xây để xây nhà mini ở giữa sân trường; chơi trò “bàn ma thuật” tại vườn cổ tích; trồng sen đá tặng người thân ở góc cát, nước, thiên nhiên...

Cô và cháu Trường Mầm non Tân Lập 1 tham gia hoạt động học theo phương pháp giáo dục Reggio Emilia.

Cô Hà Thị Hồng Tuyên - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Tân Lập 1 cho biết, với phương pháp Reggio Emilia, trẻ được thụ hưởng rất nhiều vì được tham gia từng lớp học, từng không gian theo nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, đối với một trường công lập khi chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống sang mô hình dạy học tiên tiến gặp rất nhiều khó khăn do tiềm lực có hạn, ban đầu chưa nhận được sự đồng thuận của đa số giáo viên. Song với nhu cầu thực tiễn hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý của trường đã quyết tâm thay đổi. Nhà trường đã đưa ra giải pháp chuyển đổi theo từng giai đoạn và từng lớp. Từ đó, các giáo viên đã có sự đổi mới và đồng thuận với nhà trường, phụ huynh cũng ghi nhận những thay đổi tích cực của trẻ.

Để áp dụng phương pháp giáo dục STEAM, Trường Mầm non Hướng Dương đã tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận tài liệu và học liệu mới về STEAM, đầu tư xây dựng môi trường hoạt động, không gian học tập linh hoạt và đa chức năng, bố trí không gian mở, kích thích sự tò mò và sáng tạo, sử dụng các yếu tố thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trường đã đầu tư xây dựng phòng học STEAM chuyên biệt với thiết kế linh hoạt, đa chức năng để trẻ có thể dễ dàng tham gia các hoạt động khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học một cách tự nhiên. Phòng học có các khu vực riêng như: Thí nghiệm khoa học, sáng tạo nghệ thuật, lắp ráp và kỹ thuật. Các khu vực ngoài trời cũng được quan tâm cải tạo với khu vườn cổ tích, chợ quê, vườn rau, vườn cây của bé, nhà trồng nấm bào ngư, khu làm gốm, khu vui chơi cát, nước... Nơi đây, học sinh có thể khám phá thiên nhiên, quan sát và thực hiện các thí nghiệm về thực vật, động vật hoặc các yếu tố về môi trường.

Tại Trường Mầm non Lộc Thọ 1, nhà trường cũng đã áp dụng phương pháp giáo dục STEAM trong việc xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học, đồng thời chỉ đạo giáo viên vận dụng để tích hợp trong tổ chức các hoạt động cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Việt Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các nhóm lớp đã thiết kế các hoạt động phù hợp với đặc điểm phát triển của từng độ tuổi, chú trọng tổ chức các hoạt động nhóm... trên tinh thần định hướng, gợi mở, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động trải nghiệm. Qua đó, giáo viên nhận thấy những kết quả tích cực, trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn, biết hợp tác, chia sẻ với bạn bè...

Các bé Trường Mầm non Lộc Thọ 1 tham gia hoạt động học theo phương pháp giáo dục STEAM.

Tăng cường các điều kiện tổ chức hoạt động cho trẻ

Bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang cho biết, những năm học qua, các cơ sở giáo dục mầm non đã tạo nên những bước đột phá trong chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Nhiều trường đã tích cực tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến để ứng dụng vào tổ chức các hoạt động giáo dục như: Montessori (giáo dục phát triển toàn diện), Reggio Emilia (trao quyền tự chủ cho trẻ); Glenn Doman (giáo dục sớm cho trẻ tại nhà); Steiner (khai phá tiềm năng của trẻ); STEAM (giáo dục tích hợp). Mức độ tiếp cận, ứng dụng ở mỗi trường là khác nhau, nhưng bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường.

Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo, việc nhiều trường mầm non trên địa bàn TP. Nha Trang tiếp cận, áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại là phù hợp với xu hướng hiện nay, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị cho việc thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới trong thời gian tới. Trong chương trình mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng sẽ kết hợp hài hòa giữa xây dựng môi trường giáo dục và chăm sóc, tổ chức hoạt động cho trẻ. Điều đó đặt ra vấn đề cho các trường là phải tiếp tục tham mưu các cấp chính quyền, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo các điều kiện tổ chức các hoạt động theo phương pháp mới.

TP. Nha Trang hiện có 273 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 35 trường công lập, 38 trường ngoài công lập, 210 nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập đã được cấp phép.

H.NGÂN